Cảnh báo trên được NCSC đăng tải trên trang web của họ, nói rằng: “Trung Quốc hiểu giới lãnh đạo và địa phương Mỹ muốn có được một mức độ độc lập nhất định từ Washington. Trung Quốc có thể sử dụng điều này để làm công cụ vận động những chính sách quốc gia Mỹ mà Bắc Kinh mong muốn”.
Cũng theo NCSC, những chính sách này có thể bao gồm cải thiện quan hệ kinh tế Mỹ-Trung hoặc hạn chế chỉ trích của Washington nhằm vào Bắc Kinh.
Trung Quốc tiếp tục tìm cách gây ảnh hưởng trực tiếp đến Washington, đồng thời đẩy mạnh nỗ lực gia tăng sức ép lên giới lãnh đạo địa phương và bang của Mỹ, xem họ là “một phương án hiệu quả” để theo đuổi những chương trình nghị sự có lợi.
Nhằm đảm bảo “chiến dịch tìm kiếm ảnh hưởng” đạt hiệu quả mong muốn, Trung Quốc sử dụng nhiều kế sách, đặc biệt là về mặt tài chính.
“Các biện pháp thúc đẩy tài chính có thể được sử dụng để thu hút giới lãnh đạo địa phương và bang của Mỹ, nhất là khi họ tập trung vào các vấn đề kinh tế địa phương. Trong một số trường hợp, Trung Quốc hoặc các cơ quan ủy quyền của họ có thể thúc ép giới lãnh đạo địa phương và bang thực hiện những hành động vừa phù hợp với nhu cầu địa phương của họ, vừa có lợi cho các chương trình nghị sự của Trung Quốc” – cảnh báo của NCSC nêu rõ.
Cơ quan này đồng thời nhấn mạnh chiến dịch tìm kiếm ảnh hưởng của Trung Quốc xoay quanh nỗ lực “khai thác quan hệ đối tác và tạo ra các mối quan hệ phụ thuộc”.
Tổng giám đốc Cơ quan An ninh Anh (MI5) Ken McCallum (trái) và Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) Christopher Wray. Ảnh: Reuters
Trong khi đó, tại buổi họp báo chung hiếm hoi ở London vào ngày 6-7, Tổng giám đốc Cơ quan An ninh Anh (MI5) Ken McCallum và Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) Christopher Wray cũng đã đưa ra những cánh báo liên quan đến hoạt động gián điệp của Trung Quốc.
Hai vị này cho biết nguy cơ từ gián điệp Trung Quốc đối với Anh và Mỹ là rất đáng lo ngại và tiếp tục gia tăng thông qua hướng tiếp cận chậm rãi và kiên nhẫn nhằm “tìm kiếm ảnh hưởng và tiếp cận thông tin”.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)