Quyết định này có hiệu lực từ ngày 4-4 và không có lời giải thích thêm nào khác được đưa ra. Theo một người phát ngôn của Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài (OFAC) thuộc Bộ Tài chính Mỹ, động thái này được đưa ra để buộc Nga phải lựa chọn trong số ba phương án không mấy hấp dẫn – rút cạn dự trữ USD trong nước, chi tiêu bằng nguồn thu mới hoặc rơi vào tình trạng vỡ nợ.
Tuần trước, các nhà đầu tư đã thở phào nhẹ nhõm sau khi chính phủ Nga thanh toán khoản nợ nước ngoài trị giá 117,2 triệu USD. Theo đó, ngày 16-3, Nga đã phải trả lãi cho hai lần phát hành trái phiếu châu Âu (Eurobond) có chủ quyền của mình với tổng số tiền vừa nêu. Đây là khoản thanh toán nợ nước ngoài đầu tiên của Nga sau khi Ngân hàng Trung ương Nga bị phong tỏa tài khoản vì Ukraine.
Thế nhưng, một khoản thanh toán lớn hơn nhiều đến hạn vào ngày 4-4. Cụ thể, khoản thanh toán mà Nga phải trả vào ngày 4-4 tới trị giá 2,2 tỉ USD. Nhiều chủ nợ kém lạc quan hơn nhiều khi cho rằng Nga khó mà trả được khoản này.
Các lệnh trừng phạt đang cản trở việc thanh toán các khoản nợ bằng ngoại tệ của Nga. Ảnh: TASS
Bộ Tài chính Mỹ từng thông báo cơ chế trừng phạt hiện tại đối với Nga không ngăn cản việc thanh toán các khoản nợ có chủ quyền bằng USD cho đến khi giấy phép tương ứng hết hạn vào cuối tháng 5.
Theo giấy phép được cấp bởi OFAC, Nga có thể thanh toán cho các nhà đầu tư quốc tế cho đến ngày 25-5, mà không có bình luận nào cho đến nay về việc liệu điều này có thể được gia hạn hay không.
Theo Reuters, quyết định mới nhất của Bộ Tài chính Mỹ nhằm gây thêm áp lực lên Tổng thống Nga Vladimir Putin để chấm dứt cuộc tấn công Ukraine. Đây cũng là động thái tiếp sau cáo buộc rằng quân đội Nga “thảm sát dân thường” ở thị trấn Bucha và các thị trấn khác của Ukraine.
Reuter cho biết thêm nếu Nga không thực hiện bất kỳ khoản thanh toán trái phiếu nào sắp tới trong khung thời gian được xác định trước của họ, hoặc thanh toán bằng đồng rúp trong khi USD, Euro hoặc một loại tiền tệ khác được chỉ định, điều đó sẽ được coi là một sự “vỡ nợ”.
Màn hình hiển thị tỉ giá chuyển đổi USD và Euro sang đồng rúp Nga trước một cửa hành ở Moscow. Ảnh: AP
Chuyên gia Carl Wong thuộc công ty quản lý đầu tư Avenue Asset Management ở Hồng Kông cho biết: “Thiết nghĩ có vẻ như đó là một sự thay đổi so với những gì chính phủ Mỹ cho phép vào ngày 17-3”. Khi đó, Bộ Tài chính Nga thông báo lệnh thanh toán cho khoản lãi suất trị giá 117,2 triệu USD cho hai lần phát hành Eurobonds của Nga đã được thực hiện.
Động thái mới nhất của Mỹ cũng được cho là sẽ tăng cường giám sát các khoản thanh toán đến hạn vào ngày 27-5 và vào năm 2026, 2036.
Tuần trước, Ngân hàng trung ương Nga cho biết nguồn dự trữ vàng và ngoại tệ của họ đã giảm xuống chỉ còn 604,4 tỉ USD tính đến ngày 25-3, mức thấp nhất kể từ tháng 8 năm ngoái. Việc này đánh dấu mức lao dốc 38,8 tỉ USD kể từ mức đỉnh hồi tháng 2, nhấn mạnh sự kiệt quệ đối với Nga kể từ khi nước này bắt đầu chiến dịch đặc biệt ở Ukraine.
Các chuyên gia cho rằng nếu các biện pháp trừng phạt hiện tại được duy trì, dòng tiền lớn đáng kể sẽ tiếp tục đổ vào Nga. Bộ phận phụ trách kinh tế của trang Bloomberg ước tính Nga có thể thu về khoảng 321 tỉ USD từ xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt trong năm 2022.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)