Sau một loạt biện pháp trừng phạt ban đầu đối với Nga liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine nhưng ít mang lại hiệu quả, Liên minh châu Âu (EU) nhắm mục tiêu vào lĩnh vực năng lượng của Nga, qua đó cấm nhập khẩu than từ nước này. Tuy nhiên, theo Reuters, các nước EU vẫn bị chia rẽ về việc làm thế nào để hạn chế lĩnh vực dầu khí của Nga vốn có tác động quan trọng đến nền kinh tế của họ.
Mỹ và nhóm G7 đã công bố lệnh trừng phạt mới đối với các tổ chức tài chính, doanh nghiệp nhà nước, nhiều quan chức chính phủ Nga và các thành viên trong gia đình. Mỹ cũng cấm công dân mình đầu tư mới vào Nga và không cho Moscow dùng tiền tại các ngân hàng Mỹ để trả nợ.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (phải) gặp Bộ trưởng Ngoại giao Úc Marise Payne tại Brussels – Bỉ, ngày 6-4. Ảnh: Reuters
Các nhà phân tích lệnh trừng phạt của Mỹ cho rằng những biện pháp trên không đủ khả năng làm giảm doanh thu năng lượng của Nga. Nguồn thu này đóng vai trò là huyết mạch của nền kinh tế Nga.
Nga cung cấp khoảng 40% lượng khí đốt tự nhiên cho EU, đồng thời chiếm 1/3 lượng dầu mỏ nhập khẩu hằng ngày (tương đương 700 triệu USD) của khối này.
Ngày 4-4, Bộ trưởng Tài chính Áo Magnus Brunner lên tiếng phản đối lệnh trừng phạt đối với lĩnh vực dầu khí của Nga vì “sẽ làm tổn thương Áo nhiều hơn Nga”. Cách đó vài giờ, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh sự cần thiết của lệnh trừng phạt nhắm vào dầu mỏ và than đá của Nga. Lithuania cuối tuần trước cũng tuyên bố sẽ ngừng nhập khẩu khí đốt và chấm dứt “mối quan hệ năng lượng với Nga”.
Cựu nhân viên Văn phòng Kiểm soát Tài sản nước ngoài của Bộ Tài chính Mỹ Daniel Tannebaum nói với Reuters rằng Mỹ và phương Tây có thể tiến hành các biện pháp như mở rộng lệnh cấm các tổ chức tài chính Nga giao dịch bằng đồng USD và euro, qua đó đưa ngân hàng Gazprombank của Nga vào danh sách trừng phạt.
Theo Reuters, Mỹ đang cố gắng thúc đẩy các đồng minh châu Âu gây áp lực mạnh hơn lên Nga song song với việc đảm bảo liên minh chống Moscow không bị chia rẽ nội bộ. Điều này được đánh giá là khó có thể cân bằng.
Giám đốc Công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group (Mỹ) Clayton Allen nhận định nếu muốn chuyển sang vòng trừng phạt cứng rắn hơn đối với Nga, Mỹ cần đảm bảo với các nước châu Âu rằng họ có thể ổn định thị trường năng lượng và vật tư để tránh tác động xấu về kinh tế. “Nếu Tây Âu rơi vào suy thoái, sự hỗ trợ dành cho Ukraine sẽ bị hạn chế nghiêm trọng” – ông Allen lưu ý.
Trong tuần này, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trình bày về các bước đi mới đối với Nga tại các cuộc họp của NATO và G7 ở Brussels – Bỉ. Thứ trưởng Tài chính Mỹ Wally Adeyemo đã tổ chức các cuộc họp tương tự ở London, Brussels, Paris và Berlin hồi tuần trước, nội dung thảo luận về biện pháp trừng phạt Nga trong khi giảm thiểu tác động cho các bên áp đặt trừng phạt.
Hiện tại, vẫn còn nhiều lỗ hổng mà Mỹ và các đồng minh phải lấp đầy, chẳng hạn như các công ty Đức và Pháp tiếp tục bán hàng hóa cho Nga và duy trì cuộc săn lùng du thuyền cùng tài sản giá trị của giới tài phiệt Nga.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)