Cụ thể là thắt chặt chi tiêu, ưu tiên thiết yếu; cao cấp hóa; dịch chuyển số, mua sắm trực tuyến và nâng cao trải nghiệm, giá trị sống. Trong đó, mua sắm trực tuyến, thanh toán không tiền mặt là xu hướng nổi bật. Điều này thể hiện rõ sự quan tâm của người dân cho nhu cầu dịch chuyển số trong tiêu dùng, nhất là trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam đang đẩy mạnh chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực.
Thời gian tới, người dùng có xu hướng tiêu dùng thông minh hơn bằng cách thắt chặt chi tiêu, ưu tiên thiết yếu. Người Việt cũng có nhiều kỳ vọng với các nhãn hàng, đặc biệt về giá cả và chất lượng dịch vụ. Cụ thể, có tới 65% người dùng quan tâm tới bình ổn giá và các chương trình giảm giá, khuyến mãi.
Cùng với sự gia tăng của tầng lớp trung lưu và sự hồi phục của du lịch, xu hướng cao cấp hóa được người Việt thể hiện thông qua nhu cầu ăn và ở. Lượng tìm kiếm về các từ khóa “villa”, “resort”, “khách sạn 5 sao” đều tăng so với quý trước với mức tăng trưởng lần lượt là 53%, 35% và 21%.
Các từ khoá được tìm kiếm nhiều trên Google tại Việt Nam năm 2022. Ảnh: Google
Theo thông tin Google công bố ngày 7-12, “Wordle” bất ngờ trở thành từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trên hệ thống internet toàn cầu trong năm 2022. Điều này thật sự gây bất ngờ bởi từ khóa này vẫn còn xa lạ đối với người dùng internet. Thực tế, đây là tên của một ứng dụng trò chơi đố chữ được nhiều người yêu thích. “India vs England” trở thành từ khóa được tìm kiếm nhiều thứ 2 trên Google trong năm qua. Đây là từ khóa về trận đấu bóng gậy (cricket) giữa đội tuyển Ấn Độ và Anh trong khuôn khổ Giải Vô địch Bóng gậy T20 nam thế giới.
Trong tốp 5 từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trên internet có “Ukraine” và “Queen Elizabeth”. Các từ khóa này có lẽ không gây ngạc nhiên bởi Ukraine đang phải trải qua cuộc xung đột kể từ cuối tháng 2, trong khi Nữ hoàng Anh băng hà vào tháng 9. “World Cup” và “iPhone 14” cũng nằm trong số 10 từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trong năm 2022. Sở dĩ có điều này bởi World Cup 2022 đang diễn ra trên đất Qatar, trong khi mới đây, Apple đã ra mắt dòng điện thoại thông minh iPhone 14. “Jeffrey Dahmer” – tên sát nhân hàng loạt được trình chiếu trên Netflix trong năm 2022 – cũng lọt vào tốp 10 từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất. Từ khóa “World Cup 2022” dẫn đầu trong các xu hướng tiềm kiếm nổi bật nhất năm 2022 tại Việt Nam. Vị trí thứ 2 thuộc về “Olm” – nền tảng học trực tuyến trong nước và thứ ba là “Hẹn hò chốn công sở” – tên một bộ phim trên nền tảng online.
Các chủ đề nổi bật được Google tính dựa trên sự tăng trưởng số lượt tìm kiếm so với năm trước đó. Danh sách tốp 10 năm nay hầu hết thuộc về các chủ đề liên quan bóng đá, phim Hàn Quốc và học trực tuyến. Năm 2021, chủ đề tìm kiếm nổi bật nhất tại Việt Nam cũng liên quan bóng đá là “Lịch thi đấu Euro”.
Ngoài World Cup, các tìm kiếm nhiều của người Việt liên quan đến SEA Games 31, U23 châu Á và Ngoại hạng Anh. Từ khóa “đi bão”, vốn được dùng nhiều trong các trận thắng bóng đá, cũng được người dùng internet Việt Nam tìm kiếm nhiều trong năm qua.
Ngược lại, các từ khóa liên quan đến đại dịch dần biến mất khỏi danh sách. Theo thống kê, từ khóa “COVID” từng được tìm kiếm mạnh vào cuối tháng 2 nhưng sau đó giảm kể từ tháng 5.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)