NASA vừa công bố những thành quả đầu tiên từ thiết bị Quang phổ Mặt Trăng trong không trung – air-LUSI – sau chuyến bay của nó từ ngày 12 đến 16-3 vừa qua trên máy bay ER-2 của NASA, nhằm đo chính xác lượng ánh sáng phản xạ từ mặt trăng.
Air-LUSI trước khi lên máy bay – Ảnh: NASA
Tờ SciTech Daily dẫn lời NASA, cho biết ánh trăng phản chiếu là nguồn ánh sáng ổn định mà các nhà nghiên cứu đang tận dụng để cải thiện độ chính xác và tính nhất quán của các phép đo giữa các vệ tinh quan sát trái Đất.
“Mặt trăng cực kỳ ổn định, không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố trên Trái Đất như khí hậu, ở bất kỳ mức độ nào” – giáo sư Kevin Turpie từ Trường ĐH Maryland (Mỹ), nhà nghiên cứu chính của nhiệm vụ air-LUSI, giải thích.
NASA hiện có hơn 20 vệ tinh quan sát Trái Đất, cung cấp cho các nhà khoa học cái nhìn toàn cầu về các hệ thống trên Trái Đất và liên kết giữa chúng. Các vệ tinh này đo các bước sóng ánh sáng do bề mặt, nước và khí quyển của Trái Đất phản xạ, tán xạ, hấp thụ hoặc phát ra.
Giống như các nhạc cụ trong dàn nhạc, các vệ tinh này cần sự đồng điệu để đưa ra các phép đo chuẩn xác nhất. Ánh trăng sẽ đóng vai trò chiếc âm thoa để căn chỉnh, giúp hệ thống vệ tinh hoạt động hoàn hảo.
Quang phổ điện từ này cho thấy cách năng lượng truyền đi. Con người chỉ thấy được phần ánh sáng khả kiến nhưng toàn bộ quang phổ sẽ được sử dụng bởi các công cụ quan sát Trái Đất của NASA – Ảnh: NASA
Air-LUSI bản chất là một kính viễn vọng đo quang phổ tối tân, được NASA thử nghiệm lần đầu vào tháng 11-2019. Tuy nhiên do đại dịch Covid-19, những bước thử nghiệm tiếp theo liên tục bị gián đoạn. Đến tháng 3-2022 nó mới có thể bắt đầu các chuyến bay chính thức.
Air-LUSI sẽ tiếp tục bay nhiều lần trong thời gian tới. Nhiệm vụ mới NASA hướng đến là các vệ tinh nghiên cứu sinh vật phù du, aerosol, các đám mây, hệ sinh thái đại dương…, những nhiệm vụ sẽ rất cần ánh trăng dẫn lối.
Theo giáo sư Turpie, nhờ ánh trăng, họ cũng sẽ nâng cao năng lực đáng kể cho nhiều đài quan sát trong không gian và trên mặt đất.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)