Trong cuộc họp báo hôm 24-3, Chủ tịch Ủy ban năng lượng tại Hạ viện Nga Pavel Zavalny đề cập đến các quốc gia “thân thiện” như Trung Quốc hoặc Thổ Nhĩ Kỳ, Nga có thể linh hoạt hơn trong các lựa chọn thanh toán.
Theo tập đoàn truyền thông RBC của Nga, ông Zavalny nói rằng đồng nội tệ của bên mua, cũng như Bitcoin, đang được xem là lựa chọn thay thế để thanh toán cho năng lượng xuất khẩu từ Nga.
Nga đang cân nhắc sử dụng Bitcoin để thanh toán cho hoạt động xuất khẩu dầu và khí đốt của mình. Ảnh: Reuters
Ông Zavalny cho hay: “Chúng tôi đã đề xuất với Trung Quốc trong một thời gian dài để chuyển sang thanh toán bằng đồng rúp và nhân dân tệ. Với Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là đồng lira và rúp”. Không dừng lại với tiền tệ truyền thống, ông Zavalny cho biết: “Chúng ta cũng có thể giao dịch bằng Bitcoin”.
Giá Bitcoin tăng gần 4% trong 24 giờ qua lên khoảng 44.000 USD/Bitcoin. Giá của đồng tiền điện tử này đã tăng đột biến vào khoảng thời gian xuất hiện thông tin ông Zavalny nói về Bitcoin.
Trong khi đó, ông Zavalny cũng lặp lại tuyên bố của Tổng thống Nga Vladimir Putin về việc yêu cầu các quốc gia “không thân thiện” trả tiền mua khí đốt bằng đồng rúp của Nga. Tuyên bố trên của ông Putin hôm 23-3 khiến giá khí đốt ở châu Âu tăng vọt do lo ngại động thái này có thể làm trầm trọng thêm thị trường năng lượng vốn đang chịu nhiều áp lực.
Trong khi đó, kênh CNBC cho biết tại hội nghị thượng đỉnh hôm 24-3 với các đồng minh ở Brussels, Tổng thống Joe Biden cho biết ông và các nhà lãnh đạo châu Âu đã thảo luận về sự hợp tác giữa EU và Mỹ để giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga.
Theo một tuyên bố từ Nhà Trắng, ông Biden dự kiến sẽ công bố sáng kiến với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen trong ngày 25-3 nhằm tăng cường cung cấp năng lượng cho châu Âu bằng khí đốt của Mỹ dù vẫn chưa tiến triển nhiều trong việc loại bỏ sự phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu của Nga trong ngắn hạn.
Tổng thống Joe Biden tham dự hội nghị hôm 24-3. Ảnh: Reuters
Ông Biden cho biết hội nghị diễn ra sôi nổi thể hiện sự đoàn kết của các nước phương Tây chống lại chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, đồng thời cho rằng lãnh đạo Nga đã thất bại trong việc phá vỡ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), tổ chức đang hậu thuẫn cho Ukraine vũ khí và viện trợ nhân đạo.
Cũng tại chuỗi hội nghị hôm 24-3, ông Biden kêu gọi loại Nga khỏi Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) và cảnh báo Nga có thể sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt trong chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)