Chỉ huy Lực lượng bảo vệ hạt nhân, sinh học và hóa học của Nga, tướng Igor Kirillov, phát biểu tại cuộc họp báo ngày 24-3: “Mỹ có liên quan tới việc thử nghiệm các loại thuốc trên tình nguyện viên của quân đội Ukraine, được gọi là dự án UP-8. Tôi muốn lưu ý hành động đó bị cấm ở Mỹ và được Washington tiến hành bên ngoài đất nước. Theo dữ liệu được truyền thông Bulgaria công bố, khoảng 20 binh sĩ Ukraine đã thiệt mạng trong các thí nghiệm ở phòng thí nghiệm Kharkiv và 200 binh sĩ khác nhập viện. Hơn 4.000 người đã tham gia thử nghiệm như vậy ở Ukraine”.
Ông Kirillov trích một tài liệu được cho là do tùy viên quân sự Ukraine tại Mỹ gửi Bộ Quốc phòng vào tháng 4 năm ngoái, trong đó nhấn mạnh cuộc gặp giữa người này và đại diện của Công ty Skymount (Mỹ – Canada). Theo tài liệu, Skymount “chứng minh với các quan chức Ukraine về những giải pháp trong quan sát tầm xa cùng hệ thống Deep Drug AI được sử dụng để sàng lọc và phát triển thuốc”.
Nga cáo buộc Mỹ “thử nghiệm thuốc trên binh sĩ Ukraine”. Ảnh: BBC
Ông Kirillov cho biết thêm, Ukraine không phải là quốc gia đầu tiên được sử dụng để nghiên cứu dược phẩm do quân đội Mỹ hỗ trợ. Ông dẫn chứng năm 2010, Indonesia đóng cửa Trung tâm y tế Hải quân Mỹ tại Jakarta vì “tham gia dự án tương tự, xảy ra sai phạm”.
Trong khi đó, Điện Kremlin ngày 24-3 phản hồi thông tin Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu không xuất hiện trên truyền thông 12 ngày qua. Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga Valery Gerasimov cũng vắng mặt nhiều ngày.
Theo phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitri Peskov, Bộ trưởng Quốc phòng có rất nhiều việc để giải quyết bây giờ, đồng thời phủ nhận ông Shoigu bị bệnh: “Một chiến dịch quân sự đặc biệt đang diễn ra. Chắc chắn đây không phải là thời điểm thích hợp để xuất hiện trên truyền thông. Điều này là khá dễ hiểu”.
Trước đó, trang tin độc lập Agentstvo của Nga đưa tin ông Shoigu “gặp vấn đề về tim”.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu. Ảnh: EPA
Cùng ngày 24-3, Bộ Tài chính Mỹ viết trên trang web của mình: “Người Mỹ bị cấm tham gia bất kỳ giao dịch nào – bao gồm các giao dịch bằng vàng – liên quan tới Ngân hàng Trung ương Liên bang Nga, Quỹ Đầu tư Quốc gia Liên bang Nga hoặc Bộ tài chính Liên bang Nga”.
Đây được xem là lần đầu tiên Mỹ nhắm vào kho dự trữ vàng 2.300 tấn trị giá 140 tỉ USD của Nga. Bộ Tài chính Mỹ cho biết lệnh cấm giao dịch vàng kể trên được thực hiện theo sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Joe Biden.
Thượng nghị sĩ Mỹ Angus King, nằm trong nhóm giới thiệu dự luật áp đặt lệnh trừng phạt đối với giao dịch vàng của Nga đầu tháng này, nói: “Nguồn cung vàng khổng lồ của Nga là một trong số ít tài sản còn lại mà Tổng thống Vladimir Putin có thể sử dụng để giữ nền kinh tế Nga tránh bị khủng hoảng hơn nữa. Bằng cách trừng phạt đó, chúng ta có thể cách ly nước Nga khỏi nền kinh tế thế giới xa hơn và tăng độ khó của chiến dịch quân sự ngày càng tốn kém của Tổng thống Putin”.
Tổng thống Biden và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen tại Bỉ ngày 25-3. Ảnh: AP
Ngoài áp đặt lệnh trừng phạt, Mỹ còn ký thỏa thuận cung cấp thêm khí đốt cho châu Âu giữa thời điểm Liên minh châu Âu (EU) tìm cách hạn chế phụ thuộc vào năng lượng Nga.
Reuters ngày 25-3 đưa tin Tổng thống Biden và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen dự kiến thông báo thành lập nhóm chuyên trách để giảm sự phụ thuộc của châu Âu vào nhiên liệu hóa thạch của Nga. EC cũng sẽ làm việc với các quốc gia EU để đảm bảo họ được bổ sung nguồn khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) cho đến ít nhất năm 2030.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)