Reuters dẫn lời ông Timmermans cho biết 10/27 quốc gia thành viên EU đã đưa ra “cảnh báo sớm” về nguồn cung cấp khí đốt. Đây là cảnh báo ở “cấp độ đầu tiên và ít nghiêm trọng nhất” trong 3 cấp độ khủng hoảng được xác định trong chính sách an ninh của EU về quy định cung cấp năng lượng.
Các quốc gia thành viên EU được yêu cầu lên kế hoạch giải quyết sự gián đoạn nguồn cung khí đốt (nếu xảy ra) ở cả 3 cấp độ.
Giám đốc chính sách khí hậu của Liên minh châu Âu (EU) Frans Timmermans ngày 23-6 cho biết 12 quốc gia EU bị ảnh hưởng bởi việc Nga cắt giảm nguồn cung khí đốt. Ảnh: Reuters
Đức – nền kinh tế lớn nhất của châu Âu – ngày 23-6 đã kích hoạt cấp độ hai trong kế hoạch khẩn cấp về khí đốt gồm 3 cấp độ nhằm đối phó với tình trạng sụt giảm nguồn cung từ Nga.
Tại một cuộc họp báo ở thủ đô Berlin, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck thừa nhận nước này đang chính thức thiếu hụt khí đốt thiên nhiên. Ông Habeck kêu gọi người dân giảm tiêu thụ khí đốt để chuẩn bị cho những tháng mùa đông sắp tới.
Cũng theo Bộ trưởng Kinh tế Đức, các cơ sở lưu trữ khí đốt của họ hiện được lấp đầy 58% và khó đạt được mục tiêu 90% vào tháng 12 tới nếu không thực hiện các biện pháp cụ thể. “Chúng tôi đang trong một cuộc đối đầu kinh tế với Nga” – ông Habeck nói.
Tuần trước, Công ty khí đốt nhà nước của Nga, Gazprom, đã cắt giảm 60% lượng khí đốt qua đường ống Nord Stream 1 tới Đức. Gã khổng lồ năng lượng của Ý, ENI, cũng nhận được thông báo rằng Gazprom sẽ cắt giảm nguồn cung khí đốt 15%.
Gazprom cũng cắt đứt nguồn cung khí đốt cho Ba Lan, Bulgaria, Phần Lan, các công ty năng lượng ở Đan Mạch, Đức và Hà Lan vì họ không đồng ý thanh toán bằng đồng rúp. Đức, Áo và các quốc gia EU khác đang chuyển hướng sang các nhà máy điện chạy than và dầu nhằm dành khí đốt cho mùa đông.
Giá khí đốt thiên nhiên tại châu Âu đã tăng vọt khoảng 60% kể từ giữa tháng này, giao dịch ở mức khoảng 133 euro (140 USD) mỗi MWh, theo dữ liệu từ Công ty công nghệ Intercontinental Exchange (Mỹ).
Châu Âu cố gắng giảm sự phụ thuộc vào khí đốt thiên nhiên của Nga kể từ cuối tháng 2. Trong đó, Đức tìm cách giảm lượng nhập khẩu khí đốt Nga từ 55% xuống 35%.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)