Thị trường chứng khoán bùng nổ với số lượng nhà đầu tư lớn, nhiều ngân hàng “bắt tay” với các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ nhằm gia tăng thêm các sản phẩm bán chéo. Đây được xem như một giải pháp để các bên có thể khai thác tối ưu mọi tiềm năng, tăng sức cạnh tranh và cũng là để “phù sa không chảy ra ruộng ngoài”.
Tư vấn khách hàng doanh nghiệp tại SCB. Ảnh: BNEWS
Thị trường chứng khoán bùng nổ với số lượng nhà đầu tư cá nhân tham gia ngày càng đông; cộng thêm sự hiểu biết của nhà đầu tư và nhu cầu đầu tư tài chính ngày càng cao… đã thúc đẩy nhiều ngân hàng “bắt tay” với các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ nhằm gia tăng thêm các sản phẩm bán chéo.
Đây được xem như một giải pháp để các bên có thể khai thác tối ưu mọi tiềm năng, tăng sức cạnh tranh và cũng là để “phù sa không chảy ra ruộng ngoài”.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) vừa ký thỏa thuận hợp tác đồng thời với Công ty cổ phần Quản lý Quỹ Tân Việt (TVFM) trong lĩnh vực cung cấp các dịch vụ sản phẩm, trên nguyên tắc cam kết ưu tiên sử dụng các sản phẩm dịch vụ của nhau, đảm bảo cạnh tranh hiệu quả về chất lượng và chi phí.
Cụ thể, SCB là đối tác ưu tiên của TVFM trong việc cung cấp những sản phẩm dịch vụ trong các giao dịch huy động vốn, thu xếp tài chính trong và ngoài nước, giao dịch đầu tư, hợp tác đầu tư… Đồng thời, SCB xem TVFM là đối tác ưu tiên trong việc thực hiện các nghiệp vụ đầu tư, ủy thác đầu tư và quản lý tài sản cho SCB và khách hàng của ngân hàng.
Về phía TVFM, công ty này cũng đồng thời ký thỏa thuận hợp tác với Công ty cổ phần Chứng khoán Tân Việt (TVSI) hợp tác bán chéo đối với các sản phẩm truyền thống như: Chứng chỉ quỹ mở đầu tư cổ phiếu, chứng chỉ quỹ mở đầu tư trái phiếu, sản phẩm ủy thác đầu tư bằng tiền mặt… Giai đoạn tiếp theo, các bên sẽ tiến đến phát triển các sản phẩm chuyên biệt phù hợp với định hướng kinh doanh của TVSI, SCB, TVFM.
Theo ông Nguyễn Cửu Tính, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Khối dịch vụ ngân hàng và tài chính cá nhân của SCB, thông qua thỏa thuận hợp tác này, ngân hàng sẽ xây dựng những gói sản phẩm ưu việt cho nhà đầu tư, cũng như chuẩn hóa quy trình đầu tư của khách hàng. Qua đó, đưa đến các gói tích lũy với lãi suất cao và hiệu quả vượt trội, hứa hẹn mang đến cho khách hàng những khác biệt ấn tượng trong sản phẩm và dịch vụ với mức sinh lời ổn định.
Khách hàng giao dịch tại HSBC. Ảnh minh họa: HSBC
Trước đó, Ngân hàng HSBC Việt Nam cũng xác nhận quan hệ hợp tác chiến lược cùng Công ty cổ phần Quản lý Quỹ VinaCapital trong việc kết nối các nhà đầu tư cá nhân với sản phẩm chứng chỉ quỹ của VinaCapital. Bước đầu, sự hợp tác này hướng đến hỗ trợ các khách hàng HSBC Premier, mở ra nhiều cơ hội cho khách hàng của HSBC tiếp cận các sản phẩm đầu tư.
Theo ông Pramoth Rajendran, Giám đốc toàn quốc Khối Dịch vụ quản lý tài sản và tài chính cá nhân, HSBC Việt Nam, đây là thời điểm tốt để HSBC Việt Nam giới thiệu các sản phẩm quản lý tài sản, khi nhu cầu của những khách hàng có điều kiện ngày càng cao.
Thông qua quan hệ hợp tác chiến lược với đối tác lâu năm VinaCapital, ngân hàng mong muốn giới thiệu đến các khách hàng một kênh đầu tư khác giúp gia tăng tài sản. Điều này phù hợp với chiến lược của HSBC nhằm mở ra nhiều cơ hội mới cho khách hàng, cũng như hỗ trợ trình độ phát triển của thị trường Việt Nam.
Trong tháng 2/2022, Công ty cổ phần Chứng khoán SSI cũng phát đi thông báo ký thành công hợp đồng vay vốn hạn mức 10.000 tỷ đồng, tương đương hơn 440 triệu USD với Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) chi nhánh Hà Nội.
Đây là hợp đồng hạn mức tín dụng có giá trị lớn nhất của SSI đến thời điểm hiện tại với một ngân hàng thương mại cổ phần tại Việt Nam, hứa hẹn mở ra hướng hợp tác toàn diện hơn trong tương lai giữa hai định chế tài chính hàng đầu trong nước.
VPBank triển khai đặt lịch hẹn online cho khách tới ngân hàng mùa dịch. Ảnh: BNEWS
Một trường hợp khác đặc biệt gây chú ý gần đây, đó sự trở lại lĩnh vực chứng khoán của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) thông qua việc mua lại hơn 97% cổ phần tại Công ty cổ phần Chứng khoán ASC và đổi tên thành Công ty Chứng khoán VPBank (VPBank Securities).
Trước đây, VPBank từng là cổ đông lớn nhất của Công ty cổ phần Chứng khoán VPS – công ty đang có thị phần môi giới cổ phiếu lớn nhất hiện nay, tuy nhiên năm 2016, VPBank đã thoái vốn khỏi công ty này và không còn tham gia mảng chứng khoán.
Theo ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc VPBank, việc thoái vốn khỏi VPS vào thời điểm đó là quyết định hợp lý, bởi vốn của ngân hàng khi đó không lớn mà cần tập trung vào mảng bán lẻ, tín dụng tiêu dùng. Tuy nhiên, hiện nay, nguồn vốn của VPBank rất dồi dào, cho phép ngân hàng có thể quay trở lại phát triển mảng ngân hàng đầu tư, mở rộng dịch vụ.
“VPBank sẽ tập trung mở rộng hệ sinh thái ngân hàng đầu tư, phục vụ khách hàng có nhu cầu đầu tư như đầu tư trái phiếu, chứng chỉ quỹ, môi giới chứng khoán, cho vay margin…. bên cạnh việc vay vốn, gửi tiết kiệm. Công ty chứng khoán sẽ phối hợp với ngân hàng để tạo ra giá trị gia tăng tốt hơn. Đây cũng là động lực tăng trưởng mới cho VPBank những năm tới”, lãnh đạo VPBank cho biết.
Thực tế, việc nhiều ngân hàng thương mại mở rộng liên kết hợp tác nhằm đẩy mạnh phát triển nghiệp vụ đầu tư là điều dễ hiểu. Bởi đây vốn dĩ là nghiệp vụ truyền thống của các ngân hàng lâu nay. Trong cơ cấu chứng khoán đầu tư của các ngân hàng bao gồm các loại giấy tờ có giá; trong đó, chủ yếu là chứng khoán nợ bao gồm trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu Chính phủ và trái phiếu của các tổ chức tín dụng và các hoạt động này của ngân hàng hiện nay chủ yếu đều do các công ty chứng khoán (công ty con, đối tác chiến lược) đứng ra thực hiện.
Báo cáo tài chính quý IV/2021 và kết quả kinh doanh năm 2021 của các ngân hàng niêm yết cho thấy, dịch vụ chứng khoán đầu tư đang mang lại khoản thu nhập đáng kể cho nhiều ngân hàng, đặc biệt là những ngân hàng sở hữu các công ty chứng khoán thành viên.
Đơn cử, tại Techcombank, trong năm 2021, khoản thu phí từ dịch vụ ngân hàng đầu tư (IB), cấu phần lớn nhất trong thu nhập từ hoạt động dịch vụ ghi nhận đạt 3.600 tỷ đồng, tăng 32,8% so với năm trước đó. Phí từ hoạt động phân phối trái phiếu tăng 57,4% và phí từ các dịch vụ IB khác tăng 66,7% trong năm 2021, do công ty TCBS tiếp tục cung cấp nhiều sản phẩm, dịch vụ mới để phục vụ với tập khách hàng lớn hơn (tăng 30%).
Mảng mua bán chứng khoán kinh doanh, chứng khoán đầu tư và góp vốn dài hạn cũng mang về khoản lãi 1.667 tỷ đồng cho Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) trong năm 201, tăng trưởng tới 75,3%, nhờ sở hữu Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS)…
Theo các chuyên gia, ở thời điểm hiện tại, thị trường chứng khoán đang ít nhiều chịu ảnh hưởng tiêu cực từ cuộc chiến Nga – Ukraine và những lo ngại xung quanh vấn đề lạm phát leo thang. Tuy nhiên, về dài hạn, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn được dự báo có nhiều tiềm năng tăng trưởng nhờ sự ổn định vĩ mô, các gói kích thích kinh tế và kỳ vọng vào sự phục hồi nhanh của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, số lượng nhà đầu tư cá nhân mới tham gia thị trường ngày càng đông, trở thành kênh đầu tư mới của nhiều người. Điều này sẽ giúp các ngân hàng đang có kế hoạch đẩy mạnh, mở rộng nghiệp vụ đầu tư sẽ có thể khai thác thêm nguồn thu nhập ngoài lãi đáng kể trong thời gian tới.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)