Ngành công nghệ kỹ thuật ô tô vẫn giữ được vị thế là một trong những ngành “hot” trong định hướng đào tạo mới của các trường đại học, đặc biệt là trong thời đại công nghệ xanh. Mới đây, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị số 20 về các nhiệm vụ cấp bách nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, trong đó yêu cầu Hà Nội triển khai các giải pháp để từ ngày 1-7-2026 cấm xe máy chạy bằng xăng lưu thông trong khu vực Vành đai 1. Sự thay đổi này đã khiến nhiều thí sinh chuẩn bị đăng ký nguyện vọng vào ngành kỹ thuật ô tô bắt đầu lo ngại về cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp ĐH.

Tuy nhiên, theo TS Trần Thanh Thưởng, Trưởng Phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên – Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, ngành công nghệ kỹ thuật ô tô trang bị kiến thức chuyên sâu và kỹ năng thực hành về công nghệ, kỹ thuật thiết kế, điều khiển, lắp ráp, bảo trì, sửa chữa ô tô, đồng thời trang bị kiến thức về quản lý, kinh doanh, dịch vụ kỹ thuật ô tô. Sinh viên không chỉ nắm vững nguyên lý hoạt động của động cơ, hộp số, hệ thống phanh, hệ thống treo, điện – điện tử của xe xăng mà còn tìm hiểu nguyên lý hoạt động, thực hành trên xe điện, xe hybrid, các hệ thống lái tự động và điều khiển thông minh.
Với sự chuyển dịch sang công nghệ xanh, thông minh và tự động hóa, ngành học này chắc chắn sẽ mang lại nhiều cơ hội phát triển nghề nghiệp, đặc biệt là mức thu nhập hấp dẫn. Xe xăng có thể hết thời nhưng đào tạo ô tô thì vẫn là ngành học xu hướng. ThS Trương Quang Trị, Phó trưởng Phòng Công tác sinh viên – Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cũng cho biết chương trình đào tạo ngành công nghệ kỹ thuật ô tô tại trường những năm gần đây mở rộng hơn, phù hợp với những giải pháp giao thông bền vững và thân thiện với môi trường.
Sinh viên còn được thực hành trên các mô hình xe điện thực tế và được trang bị khả năng nghiên cứu, phát triển các giải pháp tối ưu cho ngành công nghiệp ô tô điện; lập trình các phần mềm điều khiển các hệ thống hỗ trợ người lái, động cơ điện và hệ thống quản lý năng lượng. Những năm gần đây, điểm chuẩn ngành công nghệ kỹ thuật ô tô khá cao. Thí sinh có thể đăng ký thêm vài nguyện vọng bổ sung là những ngành gần như cơ khí, điện – điện tử hoặc cơ điện tử để tăng cơ hội trúng tuyển vào trường.
Trường hợp muốn mở gara kinh doanh riêng, sinh viên nên học thêm kiến thức marketing và quản trị để kinh doanh. Sinh viên tốt nghiệp có thể trở thành chuyên gia, kỹ sư, cán bộ kỹ thuật, quản lý, kế hoạch, kinh doanh tại các nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô, trung tâm kiểm định phương tiện cơ giới đường bộ, công ty nghiên cứu, thiết kế, chế tạo phụ tùng và hệ thống điều khiển ô tô hoặc trong các doanh nghiệp bảo trì, sửa chữa, kinh doanh ô tô.
Ngoài ra, sinh viên có thể làm việc trong lĩnh vực quản lý kỹ thuật giao thông, nghiên cứu hoặc giảng dạy tại các trường ĐH, CĐ và cơ sở đào tạo nghề.