Nhận xét về nghệ sĩ – Nhà giáo Ưu tú (NGƯT) Diệu Đức, NSƯT – đạo diễn Ca Lê Hồng đã gói gọn tất cả trong câu nói: “Đó là một phụ nữ tài sắc vẹn toàn, đảm đương giỏi cả ba vai trò: nhà giáo, đạo diễn, người vợ – người mẹ lo chu toàn cho gia đình hạnh phúc”.
Chọn sự nghiệp đào tạo
Nghệ sĩ – NGƯT Diệu Đức tốt nghiệp môn dân ca Khoa Âm nhạc truyền thống – Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn năm 1974, được nhà trường mời làm giáo viên phụ giảng.
Năm 1976, khi kịch nghệ được tách ra để làm nền móng cho chiếc nôi đào tạo nguồn nhân lực của sân khấu phía Nam ở Trường Nghệ thuật Sân khấu 2 (nay là Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh TP HCM), nhà giáo Diệu Đức là một trong những giảng viên đầu tiên của Khoa Cải lương. Bà đã tham gia tích cực vào việc truyền lửa nghề cho các thế hệ diễn viên trẻ.
NGƯT Diệu Đức là người gốc Huế. Theo gia phả, bà là cháu đời thứ 10 của danh nhân Nguyễn Hữu Cảnh. Cha mẹ bà là những cán bộ cách mạng hoạt động bí mật tại nội thành. Ngôi nhà của gia đình bà ngày trước tọa lạc trên đường Lê Lai, quận 1, TP HCM nay trở thành một “địa chỉ đỏ” thân quen đối với các cán bộ lão thành cách mạng.
Dù xuất thân trong một gia tộc có công đối với đất nước và hội đủ tố chất để trở thành một nghệ sĩ sân khấu thành đạt nhưng bà Diệu Đức đã chọn việc giảng dạy làm sự nghiệp. Trong hơn 40 năm, bà đã góp phần đào tạo nhiều diễn viên trẻ trở thành những hạt nhân tiêu biểu cho sân khấu cải lương tại TP HCM.
Nghệ sĩ – Nhà giáo Ưu tú Diệu Đức
Sự nghiệp đáng nể
Trong mắt đồng nghiệp, cặp đôi Diệu Đức – Hữu Luân là hai vợ chồng nghệ sĩ thành đạt khi đều làm công tác giảng dạy, quản lý. Dù tình nguyện lui về phía sau để chuyên tâm cho việc đào tạo và làm “hậu cứ vững vàng” cho chồng con nhưng khi có lời mời tham gia đóng phim, diễn kịch từ các đạo diễn – vốn là học trò hoặc bạn đồng môn, bà vẫn cùng chồng tham gia cho “đỡ nhớ nghề”.
Vai diễn gần nhất của nghệ sĩ Diệu Đức là nhân vật mẹ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong bộ phim “Em và Trịnh”. Trước đó, bà và chồng đã tạo được dấu ấn đẹp trong bộ phim “Làn môi trong mưa” (35 tập, phát trên VTV6) của đạo diễn Đỗ Đức Thịnh. Bà còn tạo được ấn tượng sâu đậm, đem lại nhiều cảm xúc cho khán giả với vai bà Oanh trong phim “Hạnh phúc trong tầm tay” (30 tập) của đạo diễn Trần Chí Thành.
Những lần quay lại nghề diễn, nghệ sĩ Diệu Đức luôn phát huy thế mạnh về diễn xuất, yểm trợ đắc lực cho bạn diễn. Bà đã nhận được nhiều phần thưởng xứng đáng: 2 huy chương vàng cho vai Nàng (vở “Chàng và Nàng”), Tám Bính (vở cải lương “Bỉ vỏ”) tại Liên hoan Sân khấu nhỏ TP HCM năm 1989 và 1993; huy chương vàng với vai Thu (vở “Biển cồn cào”) tại Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc 1995; huy chương vàng với bài “Lý vọng phu” tại Liên hoan Hát ru toàn quốc…
Năm 2009, NGƯT Diệu Đức là giảng viên duy nhất của Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh TP HCM được nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng ba vì thành tích giảng dạy xuất sắc trong nhiều năm. Hiện đã nghỉ hưu, bà có nhiều thời gian để tham gia đóng phim, diễn kịch. Bà đã có 2 mùa gắn bó với vai trò tư vấn nghệ thuật cho cuộc thi mang tên soạn giả Trần Hữu Trang. Việc bà bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ ở tuổi nghỉ hưu càng khiến giới chuyên môn và đồng nghiệp vô cùng nể phục về tinh thần học tập.
“Tôi luôn kỳ vọng vào sự tiếp nối của các diễn viên trẻ trước rất nhiều cơ hội để phát huy tài năng. Áp lực từ sự bùng nổ của các phương tiện giải trí khiến diễn viên phải tự trang bị nhiều kiến thức và luôn làm mới mình. Tôi tin rằng mùa giải Trần Hữu Trang năm nay sẽ đạt nhiều thành quả, góp phần mang lại cho sân khấu nhiều nghệ sĩ tài năng” – nghệ sĩ – NGƯT Diệu Đức bày tỏ.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)