Sáng giữa tuần, quán cà phê Viva Star Coffee trên đường Tạ Quang Bửu (quận 8, TP HCM) đông kín khách. Bà Lê Thị Ngọc Thủy, Chủ tịch HĐQT Viva International (sở hữu chuỗi Viva Star Coffee), cho biết quán đã lấy lại được khoảng 80% doanh thu so với lúc chưa xảy ra dịch Covid-19. Không riêng quán này, hầu hết quán thuộc chuỗi Viva Star Coffee, Viva Reserve, Viva Coffee To Go đều phục hồi tốt như vậy.
9 năm, nhượng quyền hơn 300 quán cà phê
Chia sẻ với phóng viên Báo Người Lao Động, bà Lê Ngọc Ngọc Thủy cho biết năm 2005, Công ty TNHH Nhất Minh Quang (sau này là Vivastory) ra đời với sự đam mê, nhiệt huyết và khao khát được chia sẻ những sản phẩm tốt nhất, chất lượng nhất, năng lượng nhất đến khách hàng.
Năm 2013, công ty bắt đầu hệ thống nhượng quyền và ủy nhiệm “Viva Star Coffee”, mở đầu cho hành trình phát triển nhanh và bứt phá. Chỉ sau 4 năm, đến năm 2017, hệ thống này đã có hơn 150 cửa hàng cà phê Viva Star Coffee. Năm 2018, với hơn 287 chi nhánh nhượng quyền trên toàn quốc và 1 chi nhánh tại thủ đô Phnom Penh (Campuchia), Viva tự tin triển khai các kế hoạch phát triển mới, trong đó tập trung mở rộng các mô hình kinh doanh.
Năm 2020, Công ty CP Viva International ra mắt hệ thống Viva Reserve. Điểm nhấn của Viva Reserve không chỉ ở không gian hiện đại, đẹp mắt, kết hợp dịch vụ “co-working space” mà còn mang đến cho khách hàng trải nghiệm nhiều cách thưởng thức cà phê khác nhau.
Tại các quán Viva Reserve, 6 loại cà phê được rang xay cùng với 6 kiểu pha chế khác nhau (Espresso, pha phin truyền thống Việt Nam, Pour over theo kiểu Đức, Chemex theo phong cách Mỹ, Press theo kiểu Pháp, Syphon theo kiểu Nhật). Các nhân viên pha chế của Viva Reserve thao tác tại chỗ để khách hàng cảm nhận cà phê bằng tất cả các giác quan như nghe, nhìn, sờ, ngửi, nếm…
Bà Lê Thị Ngọc Thủy, Chủ tịch HĐQT Viva International (bìa phải), tại một buổi ký hợp đồng nhượng quyền thương mại cửa hàng Viva Star Coffee năm 2022. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Cũng trong năm này, chuỗi hệ thống cà phê mang đi Viva Coffee To Go gắn với các ki-ốt và nhà vệ sinh công cộng tại TP HCM nhằm phục vụ nhóm khách hàng bình dân theo phương thức nhanh chóng, tiện lợi nhất. Năm 2022, cà phê Viva xuất khẩu mạnh sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Úc…, trở thành thương hiệu quốc tế và doanh nghiệp (DN) cộng đồng.
Năm 2020-2021 là giai đoạn khó khăn nhất đối với các DN thực phẩm và đồ uống vận hành theo chuỗi. Gần 300 quán cà phê của Viva cũng chịu thiệt hại lớn trong những đợt TP HCM giãn cách xã hội, hàng quán tạm ngừng hoạt động.
“Thời điểm đó vô cùng khó khăn, nhiều DN bị ảnh hưởng nặng nề, thậm chí đứng bên bờ vực phá sản. Ban giám đốc vừa phải tính bài toán bảo đảm thu nhập cho gần 6.000 nhân viên trong thời gian các tiệm đóng cửa ngưng kinh doanh, vừa phải chịu áp lực hoàn vốn, tăng lợi nhuận cho các nhà đầu tư” – bà Thủy cho biết.
Ở thị trường bên ngoài, sau cửa hàng nhượng quyền đầu tiên ở Campuchia, đối tác muốn nhượng quyền thêm 10 quán nữa. Khâu chuẩn bị gần như hoàn tất thì dịch ập đến nên phải tạm dừng. Tương tự, dự án nhượng quyền sang Canada, Mông Cổ cũng tạm gián đoạn do Covid-19.
Không ngại cầm tay chỉ việc
Sau dịch, Viva tạm gác lại kế hoạch mở rộng chuỗi mà tập trung hỗ trợ hơn 300 cửa hàng nhượng quyền phục hồi. Cả 3 mô hình cà phê trong chuỗi Viva tái khởi động mạnh mẽ. “Sau Covid-19, DN nào cũng khó khăn. Tuy nhiên, người tiêu dùng luôn ủng hộ DN Việt dám đổi mới, sáng tạo, học hỏi, cập nhật các xu hướng mới, tiên phong và đứng lên mạnh mẽ. Đó là động lực giúp chúng tôi tiếp tục cố gắng” – bà Thủy nói.
Theo bà, sau thời gian dài “sống chung với dịch”, nhu cầu và thói quen tiêu dùng có sự thay đổi lớn. Ngay khi TP HCM tái mở cửa, Viva nhanh chóng kết nối, hỗ trợ các đối tác nhượng quyền sửa sang quán, làm mới không gian cà phê lẫn thực đơn đồ uống. Cùng với đó, đều đặn 2 ngày/tuần, công ty tổ chức đào tạo miễn phí cho nhân viên tất cả quán trong hệ thống các kỹ năng quản lý, thu ngân, pha chế…
“Khách hàng không chỉ có nhu cầu về chỗ ngồi đẹp, thân thiện, gần gũi hoặc bình dân/sang trọng hay đẳng cấp mà một bộ phận khách hàng có xu hướng làm việc tại quán cà phê. Vì vậy, các sản phẩm, dịch vụ đi kèm như bánh ngọt/bánh mặn, thực đơn các món ăn cơ bản, không gian riêng để gặp mặt, làm việc… là những điểm cộng trong cạnh tranh chuỗi” – bà Thủy cho biết.
Kinh tế dần phục hồi, đối tác liên hệ để tìm hiểu thủ tục nhượng quyền quán cà phê Viva bắt đầu tăng trở lại. Trong số đó, có những bạn trẻ muốn khởi nghiệp thông qua mua nhượng quyền, có cả những người từng kinh doanh quán cà phê nhưng không thành công nên tìm kiếm mô hình vận hành, quản trị quán phù hợp.
Trong quá trình tư vấn cho các bạn trẻ muốn khởi nghiệp, đội ngũ Viva thường phân tích cho họ thấy là dù mua nhượng quyền hay tự kinh doanh, trước tiên phải chuẩn bị tinh thần và tâm thế đối diện mọi tình huống phát sinh.
“Những vấn đề như đa dạng hóa thực đơn, sáng tạo món mới, nhân viên nghỉ việc, thiết kế không gian quán, quản trị, kiểm soát chi phí… cần được giải quyết “trong vòng một nốt nhạc”. Hồn cốt của mỗi quán cà phê vẫn là chất lượng của thức uống, không gian phù hợp. Tuy nhiên, mỗi hệ thống phải đầu tư rất nhiều giá trị khác để giữ khách” – bà Thủy nhấn mạnh.
Trung bình, mỗi đối tác mua nhượng quyền sẽ chi khoảng 900 triệu đến 1,3 tỉ đồng để mở một quán Viva Start Coffee. Mất tầm 20 tháng để đạt điểm huề vốn. Trước mỗi cửa hàng được đầu tư, Viva khảo sát mặt bằng để khảo sát nhu cầu, sức tiêu dùng của người tiêu dùng để phân tích và tư vấn cho nhà đầu tư về điểm hoàn vốn, tổng đầu tư, mức giá, con người… để họ cân nhắc quyết định.
Để nhượng quyền thành công, bên bán nhượng quyền không chỉ là bán thương hiệu, mô hình, sản phẩm mà phải đồng hành cùng nhà đầu tư, hỗ trợ họ phát triển. Với cách làm này, Viva không chỉ nhượng quyền thương mại chuỗi cà phê mà còn dạy nghề kinh doanh quán cà phê cho các start-up trẻ, giúp họ có nhiều thời gian rảnh rỗi hơn để nâng cấp bản thân mà vẫn thu về nhiều lợi nhuận hơn.
Phổ thông hóa cà phê
Thành công ở cả 3 phân khúc quán cà phê phổ thông, cà phê mang đi lẫn phân khúc cao cấp, bà Lê Thị Ngọc Thủy cho biết thông qua các mô hình Viva Star Coffee, Vietnamese Coffee To Go, Viva Reserve, Viva Farm… Viva muốn mang cà phê Việt Nam đến với mọi nhà.
“Viva tự đặt trách nhiệm hoàn thiện sản phẩm để cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước. Công ty sở hữu vùng trồng 200 ha. Tất cả sản phẩm được kiểm soát theo quy trình sản phẩm từ hạt mầm, phân bón, sản xuất, chế biến đến phục vụ. Với quan niệm mỗi khách hàng là một người bạn tốt, chúng tôi muốn phục vụ bạn những sản phẩm chất lượng nhất” – bà Thủy bày tỏ.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)