Sau thời gian dài ngưng hoạt động vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TP HCM (HBSO) đã mở đầu mùa diễn mới bằng chương trình hòa nhạc đặc biệt “Hòa nhạc mùa xuân” vào tối 5-3, tại Nhà hát Thành phố.
Đưa nhạc hàn lâm đến gần khán giả
Chương trình giới thiệu những tác phẩm hòa nhạc và hợp xướng mang âm hưởng hùng tráng, đầy tinh thần hân hoan, như: Pomp and Circumstance (E.Elgar), Orpheus – Quadrille (Johann Strauss), Spuntato ecco il di d’esultanza từ vở opera Don carlo (Giuseppe Verdi), Tritsch-Tratsch-Polka (Johann Strauss II)…; cùng những tác phẩm thanh nhạc đặc biệt nhất của nghệ thuật opera từ những tên tuổi rất nổi tiếng trong lĩnh vực này, như: Giacomo Puccini, Franz Lehar, Giuseppe Verdi, Leo Delibes…
Chương trình do nhạc trưởng Trần Nhật Minh dàn dựng cũng như trực tiếp chỉ huy đêm nhạc cùng sự tham gia của: Đoàn Nhạc kịch, Đoàn Giao hưởng của HBSO và các nghệ sĩ solo xuất sắc, như: giọng soprano Phạm Khánh Ngọc (giải nhì cuộc thi opera quốc tế Đông Nam Á – SLO Singapore 2016), Phạm Duyên Huyền (giải nhì cuộc thi hát thính phòng 2011 tại Hà Nội); giọng baritone Đào Mác, Võ Nguyễn Thành Tâm; tenor Phạm Trang, Phan Hữu Trung Kiệt…
Đêm nhạc “Hòa nhạc mùa xuân” của Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TP HCM đông kín khán giả
Mới đây, giọng ca opera Thế Huy (được đào tạo bài bản của Nhạc viện TP HCM) cũng vừa tổ chức đêm nhạc cá nhân “The Recital: Thế Huy, Tenor” tại một không gian vô cùng đặc biệt. Đó không phải ở nhà hát hay sân khấu lộng lẫy mà không gian văn phòng làm việc được chọn để thực hiện hai đêm nhạc cổ điển.
Nhiều người cho rằng anh liều lĩnh nhưng phía nam ca sĩ và GốcCreation (đơn vị cùng thực hiện chương trình) lại nói họ muốn đưa âm nhạc thính phòng đến gần hơn với khán giả, tạo những trải nghiệm mới mẻ. Là buổi biểu diễn cá nhân đầu tiên của ca sĩ dòng nhạc cổ điển, Thế Huy cùng giáo sư – nhà nghiên cứu Trần Như Vĩnh Lạc đã dẫn dắt người nghe khám phá những câu chuyện tình nổi tiếng trong thi ca thế giới, từ “Romeo và Juliet” đến những lá thư tình chưa bao giờ được gửi của Beethoven.
Ngoài ra, vào dịp cuối tuần này (ngày 26-3), vở “Múa đương đại café Sài Gòn” sẽ diễn ta tại Nhà hát Thành phố với âm nhạc của Igor Stravinsky, biên đạo Joost Vrouenraets cùng phần thể hiện của Đoàn Vũ kịch HBSO. Đây là vở múa gặt hái được thành công ngay sau lần diễn đầu tiên vào tháng 6-2018, sau đó được tái diễn trong năm 2019, 2020. Ngoài bối cảnh được lấy tại một tiệm cà phê giữa lòng Sài Gòn thế kỷ XX, vở diễn mang nhiều tính hư cấu, hình tượng cũng như gây ấn tượng cho người xem bởi những màn biểu diễn đặc sắc như: cảnh những nghệ sĩ múa rơi từ trên bàn xuống, cảnh “chạy mà không chạy” đầy gợi mở…
Khán giả đã cởi mở hơn
Ở Việt Nam, Thế Huy là một trong số ít những ca sĩ trẻ thuộc dòng nhạc cổ điển có nhiều dự án cá nhân và hoạt động biểu diễn được thực hiện ngay khi còn đang theo học trong môi trường Nhạc viện. Năm 2019, Thế Huy từng đại diện Nhạc viện TP HCM tham gia dự thi và trình diễn tại Liên hoan Âm nhạc quốc tế Chicago (Mỹ). Anh cũng từng theo học masterclass với giáo sư kiêm ca sĩ giọng nam cao người Mỹ Chris Thompson. Vào năm 2021, Thế Huy nhận học bổng toàn phần danh giá tại một trong những nhạc viện nổi tiếng nhất thế giới, song kế hoạch du học bị hủy bỏ bất ngờ do đại dịch…
Những khó khăn này vừa là thử thách, vừa là cơ duyên dẫn đến hợp tác giữa Thế Huy và GốcCreation. Trong khi Huy nhận ra rằng anh có thể tranh thủ thời gian này để thực hiện những dự án âm nhạc cá nhân phục vụ cộng đồng, cùng lúc góp tạo đòn bẩy phát triển cho những nghệ sĩ nhạc cổ điển trẻ đồng trang lứa thì GốcCreation cũng đang nhen nhóm ý tưởng cho dự án văn hóa – nghệ thuật dài hơn mang chủ đề “Cảm ơn những biến động!” nhằm khơi gợi những thay đổi tích cực trong xã hội sau biến cố Covid-19 kéo dài suốt 2 năm 2020-2021.
Ca sĩ opera Thế Huy chia sẻ: “Với The Recital: Thế Huy, Tenor, tôi muốn tạo ra một không gian âm nhạc thuần túy để gửi lời chào đến khán giả, trong đó có nhóm khán giả mới – những người sẵn lòng cởi mở với nghệ thuật cổ điển, thể loại nhạc vốn được coi là còn mới với thị trường trong nước”.
Trước đây, Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TP HCM hay cá nhân nhạc trưởng Trần Nhật Minh cũng như nhiều nghệ sĩ hàn lâm khác, đau đáu giấc mơ tìm được thật nhiều khán giả, đặc biệt khán giả trẻ, cho nhạc hàn lâm. Đến nay, sau nhiều năm đã thể nghiệm và thu về những trải nghiệm cụ thể, người trong giới mới có thể thở phào khi “khán giả đã tự tìm đến với nhạc hàn lâm, cổ điển”.
Tuy nhiên, ở thời điểm này, những người trong cuộc lại nhận ra “không nên bình dân hóa nhạc hàn lâm, cổ điển như trước” bởi “điều cần phải làm là tăng chất lượng của những tiết mục biểu diễn để nâng cao thẩm mỹ thưởng thức của khán giả.
“Quan điểm cho rằng khán giả bình dân thì không đủ khả năng thẩm thấu nhạc hàn lâm là sai lầm. Âm nhạc đẹp vốn dĩ luôn dễ đến với khán giả mà không gặp bất cứ rào cản nào. Vậy nên không cần phải cố làm khác đi những giá trị vĩnh cửu trong những tác phẩm kinh điển của thế giới” – nhạc sĩ Trần Nhật Minh nhận định.
Thực tế, trước đây đã từng có những chương trình làm bình dân nhạc hàn lâm để thể loại âm nhạc này dễ đến với khán giả hơn như rock hóa hay thêm “beat nhạc” cho những tác phẩm kinh điển. Dù ấn tượng ban đầu của những sáng tạo này là có nhưng người trong giới khẳng định không cần thiết khi nhạc cổ điển, hàn lâm luôn có một “thánh địa” riêng. Và hơn hết, khi khán giả ngày càng tìm đến với nhạc hàn lâm nhiều hơn thì nghệ sĩ chỉ cần mang đến những tác phẩm nghệ thuật tinh hoa của thế giới là đủ.
Ca sĩ Thế Huy cũng nói thêm: “Những năm gần đây, tôi nhận thấy được sự quan tâm và đón nhận của khán giả trong nước với âm nhạc cổ điển. Các đêm nhạc giao hưởng, thanh xướng kịch hay các vở opera được dàn dựng tại nhà hát lớn nhiều hơn, đi cùng với lượng khán giả ngày một tăng. Ngoài ra, những dự án âm nhạc nhỏ hơn của các tổ chức phi lợi nhuận nhằm giới thiệu loại hình này cũng nhận được sự ủng hộ của rất nhiều khán giả trẻ”.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)