Là nhạc sĩ từng được công chúng yêu mến qua nhiều ca khúc tạo tên tuổi cho nhiều ca sĩ như: “Tình thơ”, “Tình khúc vàng”, “Phố hoa”…, nhạc sĩ Hoài An còn sở hữu nhiều bài hát về lịch sử, truyền thuyết.
Tăng thêm lòng ái quốc
Đang sáng tác những ca khúc dành cho giới trẻ, bỗng một ngày nhạc sĩ Hoài An ôm đàn tìm gặp nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo để thọ giáo. Khi anh đưa thông tin này lên trang cá nhân, không ít người cho rằng đây là việc Hoài An tự quảng bá hình ảnh theo kiểu “dựa hơi người nổi tiếng”.
Nhưng không phải như thế, Hoài An đã bền bỉ học tập, đón nhận những lời chỉ giáo của nhạc sư hơn trăm tuổi. Hóa ra nhạc sĩ Hoài An đang tâm nguyện thực hiện ý tưởng vận dụng âm nhạc ngũ cung vào dòng nhạc sử ca, huyền sử và cổ tích Việt Nam.
Đến nay, nhạc sĩ Hoài An đã có một hành trang dòng nhạc sử ca khá đồ sộ, có thể kể như: “Truyền thuyết Cổ Loa”, “Trương Chi – Mỵ Nương”, “Tiếng trống Mê Linh” (Hai Bà Trưng), “Hào khí Thăng Long”, “Tinh thần Đông A”, “Bạch Đằng giang”, “Sơn Tinh – Thủy Tinh”, “Bánh chưng – bánh giầy”, “Công ơn Hùng Vương”, “Cổ tích Thạch Sanh”, “Ngọn cờ lau” (Đinh Bộ Lĩnh)… Những sáng tác này đã được công chúng, khán giả trẻ, nhất là các giáo viên tiểu học, trung học hưởng ứng nồng nhiệt. Nhạc sĩ Hoài An cho biết đang dồn sức thực hiện dự án “Hồn Việt”, để đưa những sản phẩm âm nhạc mang giá trị nhân văn này đến với công chúng, đặc biệt là giới trẻ.
NSƯT – ca sĩ Hồng Vân, người chuyên hát dòng nhạc dân ca, đã nhận xét: “Việc làm này thật ý nghĩa, hôm vừa rồi cháu ngoại của tôi khoe nghe trên mạng bài hát “sử ca” của chú Hoài An, giúp cháu hiểu hơn và cảm nhận rõ khí thế hào hùng của những bậc tiền nhân mở cõi. Từ đó cháu thích học sử Việt hơn”.
Nhạc sĩ Hoài An. (Ảnh do nghệ sĩ cung cấp)
Gìn giữ lịch sử bằng âm nhạc
Nhạc sĩ Hoài An tâm sự: ” Cha tôi – nhà giáo Võ Đại Mau – khi còn nhỏ đã truyền cho tôi tình yêu sử Việt bằng những câu chuyện lịch sử. Tôi vẫn còn nhớ hình ảnh oai hùng của những bậc dũng tướng, đã đấu tranh bảo vệ non sông gấm vóc của dân tộc qua lời kể của cha. Đây cũng là lý do khiến tôi dấn thân vào sáng tác dòng nhạc từ lịch sử”.
“Càng đọc nhiều, càng thấy cảm phục những vị anh hùng với những chiến thắng hiển hách như Hai Bà Trưng, Ngô Quyền, Lê Đại Hành, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn… Các sản phẩm âm nhạc về sử ca thông qua dự án “Hồn Việt” kỳ vọng sẽ tạo nên động lực để giới trẻ thích đọc và học sử” – Hoài An cho hay.
Nhạc sĩ Hoài An cho biết các sản phẩm âm nhạc trong dự án “Hồn Việt” sẽ bám theo chất liệu, màu sắc truyền thống nhưng sẽ có sự phá cách trong hòa âm, phối khí để giai điệu có được âm hưởng hiện đại, tạo sự hấp dẫn hơn với người nghe, qua đó giúp đẩy mạnh thông điệp, hình ảnh về sử Việt đến với công chúng.
Theo nhạc sĩ Hoài An, do đã có một thời gian lăn lộn trong lĩnh vực âm nhạc, anh có nhiều thuận lợi khi thực hiện dự án “Hồn Việt”. Anh đã được bạn bè đồng nghiệp “ưu đãi” tối đa về chi phí, thiết bị, thời gian khi thu âm, ghi hình nhằm giúp dự án “Hồn Việt” có chất lượng tốt nhất với chi phí sản xuất thấp nhất.
“Dự án “Hồn Việt” sẽ sớm ra mắt công chúng trong thời gian tới. Thông qua âm nhạc, người dân sẽ hiểu hơn về sử Việt qua đó sẽ yêu sử Việt hơn; giúp nâng cao lòng ái quốc trong mỗi trái tim công dân trẻ, góp phần gìn giữ lịch sử và cội nguồn dân tộc” – nhạc sĩ Hoài An bày tỏ tâm huyết.
Sáng tác đầu tiên của nhạc sĩ Hoài An là “Nhớ Trưng Vương” khi anh mới học lớp 10. Bài hát được đăng trên Báo Mực Tím, trở thành nguồn động lực để Hoài An dấn thân làm nhạc sĩ.
Năm 1998, nhiều người biết đến tên tuổi của nhạc sĩ Hoài An qua những ca khúc như “Tình thơ”, “Nếu phôi pha ngày mai”… Một thời nhóm nhạc KTX của nhạc sĩ Hoài An đã được đông đảo công chúng yêu mến.
Hiện nay, dù không còn trẻ nhưng tâm hồn anh vẫn luôn đau đáu việc sáng tác dành cho giới trẻ, đó là những bài hát có nội dung về công cuộc gìn giữ và xây dựng Tổ quốc.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)