Ngày 20-10, Sở Tài nguyên – Môi trường TP HCM phối hợp với Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư TP HCM tổ chức hội nghị đối thoại kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021- 2025).
Các đại biểu tham dự hội nghị được đơn vị tư vấn thuyết minh kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025) để đóng góp ý kiến trước khi hoàn thiện trình cấp thẩm quyền phê duyệt theo quy định.
Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường TP HCM Nguyễn Toàn Thắng phát biểu khai mạc hội nghị.
Phát biểu tại đây, ông Trà Ngọc Phong, Phó Trưởng phòng Kế hoạch tài chính Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP HCM, cho hay vừa rồi Chính phủ phân khai (hay phân bổ – PV) cho TP HCM đất chuyên trồng lúa hơn 9.000 ha.
Theo ông Trà Ngọc Phong, thực tế bố trí đất lúa cho các huyện không đúng với hiện trạng. Ông dẫn chứng lập kế hoạch sử dụng đất đến năm 2025 quận Bình Thạnh vẫn còn đất lúa là không phù hợp với thực tế.
“Do đó, cần xem lại việc bố trí đất lúa vì thực tế một số địa bàn không còn đất lúa nữa. Hiện nay chỉ còn huyện Củ Chi trồng lúa và một số ít ở huyện Bình Chánh, Hóc Môn. Riêng huyện Hóc Môn với tốc độ phát triển thì diện tích cũng giảm rất nhiều” – ông Phong nói.
Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP HCM cho rằng cần giảm chỉ tiêu đất trồng lúa để phù hợp thực tế của TP HCM.
Từ đó, ông Phong kiến nghị cần cân đối lại chỉ tiêu này cho phù hợp với tình hình thực tế thành phố. Trong thời gian tới, khi lập quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, Sở Tài nguyên – Môi trường tham mưu UBND TP sớm đề xuất Chính phủ giảm chỉ tiêu đất trồng lúa để các huyện “dễ thở hơn”.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Thảo, Trưởng phòng Tài nguyên – Môi trường huyện Bình Chánh, cho rằng dự kiến phân bổ đất chuyên trồng lúa nước cho huyện là 2.700 ha, hơn gấp đôi kế hoạch sử dụng đất kỳ trước. Tuy nhiên, thực tế hiện nay người dân rất bức xúc vì trồng lúa nước không hiệu quả. Người dân xã Tân Nhựt đề nghị thu hẹp diện tích hoặc bỏ luôn quy hoạch trồng lúa nước.
“Bây giờ 2.700 ha nữa thì không phù hợp thực tế sử dụng. Đề nghị đơn vị tư vấn điều tra, khảo sát cụ thể, đánh giá thổ nhưỡng… đối với một số quận, huyện. Phân khai nhiều nhưng thực tế thì nơi đó không có hệ thống tưới tiêu. Như thế chỉ có thể gò ép vào để đủ diện tích đất trồng lúa nhưng triển khai không hiệu quả” – bà Thảo nói.
Bà Nguyễn Thị Thảo, Trưởng phòng Tài nguyên – Môi trường huyện Bình Chánh, cho rằng người dân bức xúc vì quy hoạch đất trồng lúa không phát huy hiệu quả.
Cũng theo bà Thảo, hiện nay địa phương đã có hơn 1.200 ha đất ở nông thôn. Tuy nhiên, dự kiến phân bổ cho huyện đến năm 2025 có 833 ha, tức hiện trạng đã cao hơn kế hoạch phân bổ. “Điều này gây khó cho địa phương, đặc biệt là việc chuyển mục đích sử dụng đất của các hộ gia đình để xây nhà ở riêng lẻ. Đề nghị đơn vị tư vấn cân đối lại chỉ tiêu diện tích này” – bà Thảo nói.
Đại diện Phòng Tài nguyên – Môi trường huyện Hóc Môn cũng cho rằng địa phương đang trong quá trình đô thị hóa nhanh, diện tích đất trồng lúa nên cần cân đối lại việc phân bổ lại cho phù hợp.
Đại diện Phòng Tài nguyên – Môi trường huyện Củ Chi đề xuất xem xét nâng chỉ tiêu đất ở vì địa phương đang quá trình đô thị hóa nhanh.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)