Chiều 2-4, Cục phó Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH-TTĐT), Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Quang Tự Do cho biết đã có văn bản đã gửi yêu cầu báo chí và các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới và trong nước gỡ bỏ video và bức thư tuyệt mệnh của nam sinh tự tử ở Hà Nội.
“Đến thời điểm này đã có nhiều nền tàng mạng xã hội xuyên biên giới và trong nước gỡ hình ảnh, video về cháu theo đề nghị của phía cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam. Việc phát tán hình ảnh đau lòng này này là vi phạm quyền riêng tư của gia đình nạn nhân, vi phạm về bảo vệ quyền trẻ em và thiếu tính nhân văn”- ông Lê Quang Tự Do nói.
Cũng theo ông Lê Quang Tự do, cơ quan quản lý cũng yêu cầu các cơ quan báo chí không khai thác, phân tích mở rộng xoáy thêm vào nỗi đau của gia đình nạn nhân.
Cơ quản lý đã yêu cầu các nền tàng xuyên biên giới gỡ gỡ bỏ clip và bức thư tuyệt mệnh của nam sinh ở Hà Nội.
Trước đó, sau khi thông tin, hình ảnh và thư tuyệt mệnh của một nam sinh đang theo học trường chuyên THPT ở Hà Nội, trên mạng xã hội xuất hiện video được cho là trích xuất từ camera tại hiện trường lúc 3h37 phút sáng cùng bức thư tuyệt mệnh tạm biệt 1-4 mà nam sinh này đã để lại.
Trên nhiều group Facebook hay các tài khoản Youtube đã liên tục đăng tải, chia sẻ video toàn bộ diễn biến sự việc và bức thư của nam sinh để lại.
Hiện nay, 3 đơn vị thuộc Bộ TT-TT là Cục PTTH và TTĐT, Cục Báo chí và Cục An toàn thông tin đang phối hợp rà soát, xử lý trường hợp một số cá nhân, tổ chức phát tán, lan truyền thông tin về hình ảnh cá nhân, bức thư của nam sinh nói trên.
Hiện cơ quan chức năng đang truy tìm người phát tán video và bức thư tuyệt mệnh nói trên, đồng thời xác minh những thông tin được chia sẻ liên quan vụ việc.
Tháng 6-2021, Thủ tướng phê duyệt chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025”. Chương trình do Bộ TT-TT chủ trì triển khai với mục tiêu kép là: Bảo vệ bí mật đời sống riêng tư và ngăn chặn, xử lý các hành vi lợi dụng môi trường mạng để xâm hại trẻ em, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc trang bị cho trẻ em kiến thức, kỹ năng phù hợp theo từng lứa tuổi (hệ miễn dịch số) để trẻ em tự nhận biết và có khả năng tự bảo vệ mình trên môi trường mạng; Duy trì một môi trường mạng lành mạnh, phát triển hệ sinh thái các sản phẩm, ứng dụng Việt cho trẻ em học tập, kết nối, giải trí một cách sáng tạo.
Bộ TT-TT cũng đã thành lập Mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng ở địa chỉ website vn-cop.vn nhằm xác minh để hỗ trợ, ứng cứu kịp thời nhằm giảm thiểu rủi ro.
Còn Hiến pháp và pháp luật Việt Nam ghi nhận, bảo đảm và bảo vệ quyền tự do nhân thân của mỗi cá nhân, trong đó có quyền tự do về hình ảnh.
Bộ Luật dân sự 2015 cũng quy định việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó cho phép, trừ trường hợp quy định tại khoản 2, Điều 32 BLDS.
Cụ thể, hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng; hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.
Người thu thập trái phép thông tin, hình ảnh của người khác, sử dụng trái phép thông tin, hình ảnh của người khác thì tùy vào tính chất mức độ của hành vi vi phạm, hậu quả xảy ra mà người vi phạm sẽ bị phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trường hợp nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)