Ngày 7-4, HĐND TP HCM khóa X nhiệm kỳ 2021-2026 tổ chức kỳ họp thứ 5 (kỳ họp chuyên đề). Tham dự kỳ họp có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi.
Tăng nguồn lực cho dự án giao thông
Tại kỳ họp, HĐND TP HCM thông qua 12 nghị quyết, trong đó có 6 nghị quyết về chế độ, cơ chế chính sách xã hội – y tế; 2 nghị quyết về kế hoạch đầu tư, phân bổ vốn; 1 nghị quyết về chủ trương triển khai dự án; 1 nghị quyết về ban hành đề án và 2 nghị quyết quan trọng khác. Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Lệ đánh giá đây là những nghị quyết hết sức trọng đại, làm tiền đề hoàn thành việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2022 và những năm tiếp theo.
Với dự án đường Vành đai 3, HĐND TP HCM đã thông qua nghị quyết thống nhất chủ trương triển khai dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP HCM và chủ trương bảo đảm thực hiện cân đối đủ vốn ngân sách thành phố bố trí (dự kiến hơn 24.000 tỉ đồng); nghị quyết về việc đồng ý chủ trương chuyển mục đích sử dụng 16,8 ha đất rừng ở xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh sang mục đích khác để thực hiện dự án trên.
Đại biểu HĐND TP HCM thông qua nghị quyết về giao thông, y tế, xã hội…
Kỳ họp thứ 5 HĐND TP HCM khóa X cũng thông qua Nghị quyết về Đề án nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND thành phố trong điều kiện tổ chức chính quyền đô thị nhiệm kỳ 2021-2026.
Dự án đường Vành đai 3 là dự án trọng điểm quốc gia đi qua 4 địa phương gồm TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An với tổng mức đầu tư trên 75.000 tỉ đồng từ nguồn ngân sách trung ương và ngân sách địa phương. TP HCM và 3 tỉnh đang dốc sức triển khai để kết nối giao thông vùng, thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế. Trong nhiều cuộc họp, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên, Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi liên tục chỉ đạo các cấp ủy, các sở, ngành đẩy mạnh các đầu việc để thúc đẩy dự án.
Cũng ở lĩnh vực giao thông, đô thị, HĐND thành phố thông qua Nghị quyết về quyết định chủ trương đầu tư dự án tăng cường khả năng tiếp cận và tổ chức kết nối các tuyến xe buýt với nhà ga thuộc tuyến đường sắt đô thị số 1 (metro 1, tuyến Bến Thành – Suối Tiên). Tổng vốn thực hiện dự án là gần 94 tỉ đồng, từ ngân sách thành phố. Thời gian thực hiện từ năm 2022 đến năm 2024.
Nâng cao năng lực trạm y tế phường, xã
Ở lĩnh vực y tế, HĐND thành phố thông qua Nghị quyết về chính sách đặc thù củng cố, nâng cao năng lực trạm y tế phường, xã, thị trấn trong giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 đến năm 2025.
Theo đó, bác sĩ đang trong thời gian tham gia chương trình thí điểm thực hành tại bệnh viện đa khoa gắn với trạm y tế được hỗ trợ 60 triệu đồng trong vòng 18 tháng; điều dưỡng, hộ sinh đang trong thời gian tham gia thực hành tại bệnh viện đa khoa gắn với trạm y tế được hỗ trợ 30 triệu đồng trong 9 tháng. Với mức hỗ trợ trên, UBND thành phố dự kiến hằng năm có thể thu hút 300 bác sĩ, 100 điều dưỡng, hộ sinh tham gia chương trình.
Ngoài ra, người lao động cao tuổi có chuyên môn bác sĩ sẽ được hợp đồng với mức lương 9 triệu đồng/người/tháng; người lao động cao tuổi có chuyên môn y tế khác, trình độ từ cao đẳng trở lên hoặc trung cấp y sĩ được hợp đồng với mức lương 7 triệu đồng/người/tháng. Nhân viên vệ sinh, bảo vệ làm việc tại trạm y tế nhưng không thuộc đối tượng chi trả lương từ nguồn quỹ tiền lương của đơn vị được hỗ trợ 5,5 triệu đồng/người/tháng.
Chính sách đặc thù này được thực hiện đến ngày 31-12-2025 sẽ góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tạo niềm tin cho người dân đến khám chữa bệnh tại trạm y tế. Theo tính toán của UBND thành phố, kinh phí hỗ trợ hằng năm cho những đối tượng trên khoảng 138,5 tỉ đồng.
Theo Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội HĐND thành phố, ông Cao Thanh Bình, để chính sách được thực hiện có kết quả, UBND thành phố cần xây dựng quy chế tuyển chọn, tuyển dụng chặt chẽ, công khai, minh bạch đối với các đối tượng thụ hưởng, bảo đảm triển khai có hiệu quả, tránh trục lợi chính sách. Đồng thời, tiếp tục quan tâm các chế độ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao tay nghề, chính sách khen thưởng đối với lực lượng y – bác sĩ, nhân viên y tế tại trạm y tế.
Nhiều đại biểu cũng đề nghị cần có chính sách thu hút sinh viên mới ra trường để lực lượng y tế cơ sở yên tâm công tác.
Đưa nghị quyết vào cuộc sống
Phát biểu kết luận kỳ họp, Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Lệ yêu cầu từng tập thể, cá nhân thực hiện nghiêm các nghị quyết vừa được thông qua, bảo đảm đạt hiệu quả cao. “Quan trọng là khi nghị quyết ban hành, chương trình hành động phải quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc, đưa nghị quyết vào cuộc sống” – Chủ tịch HĐND thành phố nhấn mạnh.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ kinh tế – xã hội năm 2022, Chủ tịch HĐND thành phố đề nghị tập trung triển khai tích cực các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của trung ương và của thành phố trong chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế – xã hội; cụ thể hóa các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là đối với các dự án đầu tư mới, dự án tạo động lực quan trọng cho tăng trưởng.
Trong đó, tập trung hoàn thành các dự án đã kéo dài nhiều năm, các công trình, dự án trọng điểm của thành phố có tác động liên ngành, liên vùng. Cùng với đó, hoàn chỉnh hệ thống giao thông công cộng như tuyến metro số 1 và số 2, dự án đường cao tốc TP HCM – Mộc Bài, dự
án chống ngập… để khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, ngập nước trong mùa mưa…
Bảo đảm an sinh xã hội, đời sống người dân, bảo đảm lợi ích kinh tế – xã hội, tránh lãng phí nguồn lực đã đầu tư… cũng là những lưu ý quan trọng Chủ tịch HĐND thành phố đưa ra.
Ngoài ra, TP HCM cũng cần triển khai việc tổ chức chính quyền đô thị một cách sáng tạo, hiệu quả, trong đó, đặc biệt lưu ý phát triển TP Thủ Đức thành một cực tăng trưởng của thành phố. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ xây dựng quy hoạch thành phố thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060; đẩy mạnh cải cách hành chính; tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao; tiếp tục gắn chiến lược phát triển kinh tế với chiến lược y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân.
61 tỉ đồng hỗ trợ cho người yếu thế
Nghị quyết về chính sách đặc thù chăm lo, hỗ trợ người cao tuổi, trẻ em mồ côi và những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố cũng được thông qua tại kỳ họp này. Đây là chính sách đặc thù nhằm bảo đảm sự công bằng, chia sẻ trên tinh thần không để ai bị bỏ lại phía sau.
Theo đó, người cao tuổi sống đơn thân, có hoàn cảnh khó khăn được cấp thẻ BHYT miễn phí và mức hỗ trợ là 480.000 đồng/người/tháng. Người trong độ tuổi lao động từ 16 – 60 tuổi thuộc hộ nghèo bị tai nạn lao động, tai nạn giao thông, tai nạn khác đã được cấp thẻ BHYT miễn phí theo diện hộ nghèo nhưng chưa được hưởng trợ cấp BHXH hoặc trợ cấp xã hội hằng tháng cũng được hỗ trợ 480.000 đồng/người/tháng.
Trẻ em mồ côi được cấp thẻ BHYT miễn phí, hỗ trợ học phí và được mức hỗ trợ dao động từ 480.000 đồng đến 1,2 triệu đồng/người/tháng, tùy trường hợp. Thời gian hỗ trợ từ ngày 1-5-2022 đến hết năm 2023. Tổng kinh phí thực hiện là gần 61 tỉ đồng.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)