Tháng bảy âm lịch đã về với vẻ đẹp sương khói huyền hồ của mùa thu. Nhưng trong những ngày lễ Vu Lan năm nay, biết bao con hẻm, bao gia đình trong cả nước, đặc biệt là TP HCM, còn u uất mùi nhang khói của ngày giỗ đầu, những thân phận không may mắn bị đại dịch Covid-19 cướp mất sinh mạng. Nỗi đau đại dịch như một vết sẹo còn đỏ hỏn, vết thương vừa kịp liền da, vẫn nhói đau khi chạm vào, nhất là những nỗi đau từ trái tim, từ sâu thẳm cõi lòng.
Trong những ngày đầu tháng 8-2022, tập trường ca “Những ngọn khói về trời” (NXB Đà Nẵng) của nhà thơ, nhà báo Bùi Phan Thảo ra mắt bạn đọc, thu hút sự chú ý của người yêu thơ và như một tiếng nói đồng cảm, một lời chia buồn, một sự tưởng niệm những người đã khuất vì đại dịch Covid-19. Theo tự sự của tác giả: “Nỗi đau, ký ức buồn thì vẫn vẹn nguyên, không dễ phôi phai. Để nhắc nhớ rằng: Không gì tốt đẹp hơn đời sống. Không gì quý giá như mạng sống. Hãy sống với nhau cho thật đúng nghĩa làm người”.
Với câu chữ chân thành, kỹ thuật biểu đạt chắc tay cùng những dấu ấn dụng công điêu luyện, Bùi Phan Thảo đem lại cho trường ca “Những ngọn khói về trời” một diện mạo riêng, như một thiên tiểu thuyết bằng thơ. Mười chương, 10 chủ đề, đầy đủ, mạch lạc, chân thực, như một dòng suối dẫn dắt độc giả khóc cười, buồn vui rơi lệ, chiêm nghiệm về cuộc sống. Tập trường ca vừa có chất liệu, có tính sử thi vừa chuyển tải những thông điệp nhân văn và lối diễn đạt đầy chất trữ tình, nhiều đoạn cảm xúc dâng trào, khiến người đọc rơi nước mắt.
“Biết mỏng mảnh lằn ranh tử sinh/ mà vẫn nhói lòng con số mỗi ngày trên báo/ tôi ngồi lặng trước tin bài từng đêm giông bão/ ngoài kia gió quật mưa gào/ nước mắt khô lại đầy như biển/ sóng dâng lên trôi hết những vì sao”.
Với tập trường ca này, tôi đã phải đọc chậm trong vài ngày. Vì những kỷ niệm, ký ức tháng ngày đó mà tôi cũng là một chứng nhân như còn tươi rói cuồn cuộn chảy về. Nhiều phân đoạn tôi phải dừng lại vì nghẹn ngào, thổn thức. Những âu lo, thắc thỏm, tuyệt vọng vì những con số lạnh lùng về số người nhiễm bệnh, người chết từ các nước xa xôi trên toàn cầu tái hiện.
Những linh hồn oan ức không biết đi về đâu làm hoang mang cả những nỗi giật mình, những hoảng loạn vì tiếng còi xe cấp cứu xé rách màn đêm. Trong đại dịch, thân phận con người thật nhỏ nhoi khi bất lực đối diện hoàn cảnh nghiệt ngã: không công ăn việc làm, nguy cơ sống chết mong manh… Những nỗi đau xé lòng vì mất đi người thân làm cay cả mắt:
“Đưa anh về bến gió lắt lay/ gửi tro cốt lên chùa cho ấm cúng/ chiều xưa bờ sông tay trong tay/ chiều nay bờ sông hồi chuông rụng/ hơi thở trầm nghi ngút khói hương”.
Trong những ngày đau thương ấy, sự kiên cường của người dân, nhất là sự dấn thân, chấp nhận hy sinh của đội ngũ những người thầy thuốc, những chiến sĩ xung kích trên tuyến đầu đã giành lại mạng sống cho biết bao người.
“Không có lựa chọn hay chối từ/ không còn thời gian để lo âu có thể mình nhiễm bệnh/ khi vào cuộc đua giành mạng sống cho người/ những toan tính thiệt hơn là chuyện xa xôi/ sau chiếc áo blouse là con tim ấm lời thề Hippocrates”.
Bìa tập trường ca “Những ngọn khói về trời”
Trường ca cũng dành dung lượng đáng kể về tình nghĩa cả nước với thành phố đầy nghĩa nhân ở đất phương Nam. Những người hồi hương cũng chỉ là tạm xa thành phố, hứa hẹn sẽ sớm có ngày trở lại. Trên nền truyền thống yêu thương, đùm bọc, cây nghĩa nhân đơm hoa kết trái, những bàn tay của người dân cả nước với rau trái, gạo, mì, gửi những món quà thơm thảo nghĩa tình cho người dân TP HCM chống dịch:
“Có bàn tay tảo tần thơm mùi đất/ rau củ vườn nhà góp chuyển vào Nam/ hạt gạo miền Trung nắng gội mưa chan/ mẹ gửi chút lòng trời mây trên màu tóc”.
Bên cạnh những vần thơ đẹp về tình người trong hoạn nạn, sự hy sinh, niềm tự hào về tình người dân Việt, nhà thơ cũng bày tỏ sự phẫn nộ về những con sâu hút máu đồng loại, làm giàu bất chính. Ngòi bút cũng là vũ khí, đâm thẳng vào những kẻ táng tận lương tâm:
“Tiền chảy vào từng túi tham như suối/… sẽ nhấn chìm các người/ cùng tội lỗi không bao giờ gột được”.
Sau 2 năm kiên cường, đại dịch dần tạm lắng, cuộc sống bình thường mới trở lại, nhà thơ viết về không khí hồi sinh với niềm vui và sự lạc quan:
“Lá gọi ngày tàn đông khẽ rụng/ đất gọi trời đem về xuân xanh/ đóa tình thơm nở giữa lòng lành”.
“Hoa đã nở vàng trên phố/ trong gió tin vui đưa về/…không ai, không điều gì có thể lãng quên”.
Vâng, không bao giờ lãng quên những tháng ngày kinh hoàng đó, để thêm trân quý những gì đang có hôm nay.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)