Trang chủ Kinh doanhBất động sản Những nhược điểm trong thu hút đầu tư vào KCN

Những nhược điểm trong thu hút đầu tư vào KCN

bởi Linh

Tại hội thảo, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhìn nhận kể từ năm 2001, nhiều chính sách phát triển các khu kinh tế (KKT) cửa khẩu và KKT ven biển đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành; từ đó đến nay những chính sách ưu đãi đầu tư, đặc biệt là đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được liên tục đổi mới. 

Tuy nhiên, đến nay chất thị trường trong phát triển các KCN Việt Nam còn ít; các KCN lớn còn quá ít và thiếu các hạ tầng để phát triển thành những KCN trọng điểm, thiếu những dịch vụ hiện đại nên khó thu hút được các nhà đầu tư lớn từ Âu – Mỹ. Bên cạnh đó, chủ trương tích hợp các KCN với các khu dịch vụ, khu đô thị được xác định quá chậm, gây ra tình trạng thiếu sức sống cho các KCN. 

“Sự phát triển của các KCN cao không được chú trọng như một trọng điểm nên các KCN không kết nối được với các hoạt động công nghệ cũng như đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Đó là những nhược điểm mà Việt Nam cần sớm khắc phục để nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư vào các KCN, KCX và KKT” – GS Đặng Hùng Võ đánh giá.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VIAC, phân khúc bất động sản công nghiệp đang rất sôi động và có nhiều tiềm năng phát triển. “Thuận lợi là không phủ nhận nhưng thời gian qua việc phát triển các KKT, KCN, KCX còn hạn chế do các vướng mắc liên quan đến thể chế, chính sách và thiếu dịch vụ tạo thuận lợi cho nhà đầu tư. 

Để giữ chân nhà đầu tư và thu hút nhà đầu tư mới, các KKT, KCN, KCX đã rà soát, báo cáo lên các cấp có thẩm quyền để tháo gỡ cho nhà đầu tư. Các nhà đầu tư nước ngoài ngày càng chú trọng điểm đến Việt Nam, chúng ta đang đón nhận dòng nhà đầu tư mới nên cần chuẩn bị tốt hơn” – ông Vũ Tiến Lộc bày tỏ.

Từ kinh nghiệm đầu tư vào Việt Nam, ông Kenji Usuda, Tổng Giám đốc Công ty Kyouwa, cho rằng ngoài các yếu tố về thị trường, khung pháp lý liên quan đến bất động sản công nghiệp là một trong những vấn đề luôn được các doanh nghiệp quan tâm trước khi quyết định đầu tư vào KCN, KCX. 

“Thời gian đầu đầu tư vào Việt Nam, chúng tôi gặp khó khăn trong quá trình tìm thông tin rõ ràng và thông suốt. Nhưng qua thời gian, chúng tôi đã ghi nhận sự thay đổi mạnh mẽ của chính quyền địa phương theo hướng ngày càng chuyên nghiệp hơn, giúp nhà đầu tư tiếp cận thông tin nhanh và chính xác nhất” – ông Kenji Usuda nhìn nhận. 

Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)

Có thể bạn quan tâm