Xuất khẩu nông – lâm – thủy sản được xem là mảng sáng của nền kinh tế khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cho biết giá trị xuất khẩu 7 tháng đầu năm những sản phẩm này đạt tới 32,3 tỉ USD, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2021. Từ đó, củng cố thêm mục tiêu ngành nông nghiệp đưa về giá trị xuất khẩu cả năm 2022 là 55 tỉ USD, vượt 5 tỉ USD so với chỉ tiêu mà Chính phủ giao.
Cá, tôm, cà phê tăng đột biến
Nhiều mặt hàng có mức độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm ngoái như: cá tra đạt hơn 1,6 tỉ USD, tăng 83,6%; cà phê đạt hơn 2,6 tỉ USD, tăng 46,2%; sắn và sản phẩm từ sắn đạt 904 triệu USD, tăng 32,1%; tôm đạt hơn 2,7 tỉ USD, tăng 26,2%…
Chế biến cá tra xuất khẩu tại ĐBSCL .Ảnh: NGỌC TRINH
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đánh giá ngành thủy sản đã ghi nhận mức hồi phục nhanh kỷ lục, lần đầu tiên trong 20 năm qua xuất khẩu toàn ngành đạt 6,7 tỉ USD, tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, cá tra – mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đang chi phối 95% nguồn cá thịt trắng toàn cầu, tăng hơn 80% so với cùng kỳ và giá trị xuất khẩu vượt cả năm 2021.
VASEP dự báo xuất khẩu thủy sản cả năm sẽ vượt mốc 10 tỉ USD, tăng khoảng 12%-15% so với năm 2021. Đặc biệt, trong xuất khẩu thủy sản, doanh nghiệp (DN) Việt đang chiếm đến 95%, chỉ có 5% là DN nước ngoài trong khi cơ cấu chung của xuất khẩu Việt Nam, DN Việt chỉ chiếm chưa đến 30% cho thấy đóng góp quan trọng của ngành thủy sản.
Ông Nguyễn Ngọc Luận, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Liên kết thương mại Toàn Cầu (Meet More Coffee) – chuyên xuất khẩu các mặt hàng chế biến sâu từ cà phê và trái cây, cho biết mảng xuất khẩu của DN đã có sự tăng trưởng đột biến trong năm nay với kim ngạch có thể đạt 5 triệu USD.
“Những tháng đầu năm, dù gặp trở ngại về chi phí đầu vào tăng nhưng chúng tôi đã nỗ lực kiểm soát chi phí, tinh gọn bộ máy quản lý để giữ giá sản phẩm nhằm hỗ trợ nhà nhập khẩu. Gần đây, giá cước vận chuyển tàu biển đã hạ, còn 7.000-8.000 USD/container 40 feet, giảm 50% so với lúc đỉnh điểm cũng hỗ trợ DN trong hoạt động xuất khẩu.
Tuy nhiên, với mục tiêu giữ thị trường, chia sẻ lợi nhuận với khách hàng nên lợi nhuận của DN có giảm. Dù vậy, trong bối cảnh kinh tế khó khăn thì việc duy trì được sản xuất, kinh doanh, duy trì chuỗi cung ứng quốc tế đã là một nỗ lực” – ông Luận nhìn nhận.
Ngành dệt may cũng đã có 7 tháng đầu năm tăng trưởng tích cực với tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 26,55 tỉ USD, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm 2021; tổng kim ngạch nhập khẩu nguyên, phụ liệu ước đạt 15,48 tỉ USD, tăng 7,9%. Tính chung, 7 tháng đầu năm ngành này xuất siêu 11,07 tỉ USD.
Nhiều lo lắng phía trước
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong tháng 7, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tiếp tục tăng khá. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 30,32 tỉ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 216,35 tỉ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước với 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD, chiếm 91,9% tổng kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, sự tăng trưởng ở các ngành hàng không đều. Theo Bộ NN-PTNT, một số mặt hàng vẫn chưa có sự hồi phục như: rau quả đạt 1,9 tỉ USD, giảm 16,1% so với cùng kỳ năm 2021; hạt điều đạt 1,8 tỉ USD, giảm 10,4%; sản phẩm chăn nuôi đạt 225,6 triệu USD, giảm 11,6%.
Xu hướng giảm tốc xuất khẩu các mặt hàng nông – lâm – thủy sản đã thể hiện khi kết quả xuất khẩu trong tháng 7 còn 4,8 tỉ USD, giảm 2% so với tháng 6, còn nhiều DN đã bắt đầu “ngấm” đòn kép cả đầu vào lẫn đầu ra.
Ông Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm G.C (GC Food), cho biết Nhật Bản là một trong những thị trường chính của GC Food nhưng đang gặp phải vấn đề đồng yen giảm giá so với USD và Covid-19 quay trở lại khiến sức mua giảm sút. “Kế hoạch ban đầu làm việc với đối tác là sẽ tăng trưởng sản lượng 30% nhưng hiện tại sức tiêu thụ chỉ bằng năm ngoái. DN phải nỗ lực tìm kiếm thêm thị trường xuất khẩu mới, đẩy mạnh tiêu thụ nội địa và giữ giá bán để giữ thị trường trong khi chi phí đầu vào tăng mạnh. Điều này khiến cho DN bị giảm lợi nhuận, ảnh hưởng đến kế hoạch đầu tư mở rộng” – ông Thứ nhìn nhận.
VASEP lo lắng khi lạm phát tăng cao ở các nước nhập khẩu sẽ khiến sức mua giảm, thực tế một số nhà nhập khẩu đã thông báo không nhận đơn hàng từ nay đến tháng 10. Điều này có nghĩa là DN đang phải chuẩn bị cho tình huống tồn kho, thiếu tiền để mua tôm, cá của nông dân trong lúc tín dụng lại bị siết từ đầu tháng 8. Nếu nút thắt này không được gỡ thì ngành thủy sản sẽ gặp nhiều khó khăn trong những tháng cuối năm.
Tương tự, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) dự báo sản xuất đến thị trường tiêu thụ sẽ gặp bất lợi trong những tháng tới. Ông Phạm Văn Việt – Phó Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP HCM, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean – phản ánh công ty đang bị giảm 30%-40% đơn hàng xuất khẩu vào thị trường chính là EU và Mỹ. Thị trường lớn còn lại là Nhật cũng bắt đầu giảm mua, khả năng sẽ giảm mạnh trong quý I/2023. “Trong bối cảnh hiện nay, DN nỗ lực kiểm soát chi phí, nghiên cứu kỹ tiêu chuẩn của nhãn hàng, nhu cầu thị trường, tập trung mở rộng thêm các thị trường mới thông qua các chương trình kết nối hợp tác, hội chợ. Chúng tôi đang rất mong các cơ quan tham tán, thương vụ Việt Nam tại nước ngoài sẽ hỗ trợ tích cực hơn, giúp DN có thêm nhiều thông tin và kết nối với các nhà nhập khẩu” – ông Việt nói.
Đại diện Hội Dệt may Thêu đan TP HCM cũng kiến nghị Chính phủ kéo dài các chính sách hỗ trợ đã có đến hết quý I/2023, cho phép DN tiếp tục được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ. Song song đó, tính toán xây dựng cơ chế tín dụng đặc thù để khuyến khích DN đột phá trong việc đầu tư, ứng dụng công nghệ 4.0 và chuyển đổi số; đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ để tạo ra hệ sinh thái tương tác, tích hợp giữa các loại hình hoạt động khác nhau. Cũng theo ông Việt, hệ sinh thái và trung tâm thời trang cần sớm được hình thành, đi vào hoạt động nhằm giúp gia tăng chuỗi giá trị, phát triển công nghiệp thời trang Việt Nam.
Với ngành sản xuất đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ, nhiều DN đang căng thẳng bởi đầu ra của sản phẩm đang bị thu hẹp. Ông Nguyễn Chánh Phương, Tổng Thư ký Hội Chế biến gỗ và Thủ công mỹ nghệ TP HCM, cho hay sau Covid-19, kinh tế Mỹ rơi vào khó khăn, người dân Mỹ giảm mua sắm những mặt hàng tiêu dùng không thiết yếu nên đồ gỗ không bán được. Nhà nhập khẩu gần như khủng hoảng khi hàng tồn kho tăng vọt, kho hàng quá tải, dự báo phải mất 6 tháng đến 1 năm để tái cấu trúc kho hàng. “Trước mắt, DN tập trung cập nhật nhu cầu, xu hướng tiêu dùng tại các thị trường nhập khẩu. Chờ đến mùa mua hàng tháng 9 xem các nhà nhập khẩu có động thái thế nào để tùy cơ ứng biến” – ông Phương chia sẻ.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho rằng ngành dệt may phụ thuộc rất nhiều vào thị trường tiêu thụ bên ngoài. Do đó, khi các nhà nhập khẩu giảm mua hàng và đề nghị giảm giá sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu và lợi nhuận của DN xuất khẩu. Trước thực trạng đó, nhiệm vụ của ngành công thương là cố gắng khai thác đầy đủ các thị trường; đồng thời giải tỏa điểm nghẽn trong chuỗi cung ứng cho các DN, bảo đảm thông suốt đầu vào cũng như vận chuyển hàng hóa đến điểm cuối cùng.
Nâng cao năng lực cạnh tranh
Báo cáo chiến lược tháng 8 của Công ty Chứng khoán SSI dẫn các dữ liệu xuất khẩu cho thấy đang có sự chậm lại đáng kể, mức tăng trưởng xuất khẩu trong tháng 7 chỉ đạt 8,9% so với cùng kỳ (từ mức 20,7% trong tháng 6). Sự sụt giảm chủ yếu đến từ nhóm điện tử như điện thoại, máy tính, đồ điện tử khác. Theo các chuyên gia, những tháng cuối năm, các DN xuất khẩu tiếp tục phải đối mặt với khó khăn từ xu hướng gia tăng các hàng rào bảo hộ thương mại phi thuế quan tại nhiều khu vực thị trường lớn; diễn biến giá cả hàng hóa toàn cầu trở nên khó dự đoán; nguy cơ lạm phát, rủi ro tài chính, tiền tệ gia tăng… Để ứng phó, Tổng cục Thống kê khuyến nghị DN cần tận dụng tốt những lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) với hầu hết thị trường trọng điểm trên thế giới, tạo ra một xung lực lớn cho hoạt động sản xuất và xuất khẩu, tạo cơ hội tiếp nhận những công nghệ tiên tiến, hiện đại và đào tạo được lực lượng lao động chuyên nghiệp hơn.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)