Trang chủ Đời sốngHàng hóa - Tiêu dùng Nỗ lực giữ giá hàng hóa

Nỗ lực giữ giá hàng hóa

bởi Linh

Những ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh vẫn tiếp tục tác động trực tiếp đến đời sống người dân, doanh nghiệp (DN). Thêm vào đó, diễn biến đồng USD, lãi suất ngân hàng cùng tăng; giá xăng, giá nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất cùng đi lên tạo thành áp lực lớn đến giá cả hàng hóa trong nước.

Nhà cung cấp muốn tăng giá

Thống kê sơ bộ của một hệ thống phân phối lớn có trụ sở ở TP HCM cho thấy từ cuối tháng 10 đến nay, đã có ít nhất 35%-40% nhà cung cấp các mặt hàng hóa mỹ phẩm, thực phẩm, bánh kẹo, nước giải khát và cả rau củ quả đề xuất tăng giá. Trong đó, một số nhà cung cấp lớn, dẫn dắt thị trường như Acecook (mì ăn liền), P&G, Unilever (hóa mỹ phẩm) cũng đã đề nghị tăng giá bán cho một số sản phẩm. 

“Đơn cử như Acecook, kỳ tăng giá ngày 15-10 tập trung vào các sản phẩm bán chạy như mì xào khay Táo Quân, mì Hảo Hảo, phở ăn liền Đệ Nhất. Đây là lần tăng giá thứ 3 kể từ tháng 3 của hãng mì này, mức tăng tối đa lên đến hơn 19% so với hồi đầu năm” – đại diện nhà bán lẻ này cho hay.

Nỗ lực giữ giá hàng hóa - Ảnh 1.

Doanh nghiệp bán lẻ tại TP HCM phải trích ngân sách để tung khuyến mãi, trợ giá và kích cầu tiêu dùng nhằm giữ cho giá cả hàng hóa được ổn định

Cũng nhà bán lẻ này, hầu hết nhà cung cấp đều chứng minh việc tăng giá là cần thiết và bất khả kháng nên khả năng từ đây đến Tết nguyên đán 2023, sẽ có nhiều mặt hàng áp dụng giá mới. “Bước sang tháng 11, mặt bằng giá hàng hóa sẽ dần hình thành rõ hơn vì các DN bắt đầu khởi động mùa kinh doanh cuối năm” – vị này nói thêm.

Thực tế trên thị trường, giá các loại mỹ phẩm, thời trang, thực phẩm nhập khẩu đã được điều chỉnh ít tăng nhất 5% do chi phí nhập khẩu tăng.

Trong bối cảnh chi phí đầu vào biến động, các DN bình ổn thị trường TP HCM đang nỗ lực giữ ổn định giá bán ra. Bà Huỳnh Kim Chi, Chủ tịch HĐQT Công ty Sản xuất Bột Quốc Tế (Intermix), cho biết từ đầu năm đến nay, giá nguyên liệu, chi phí vận chuyển tăng vọt nên Intermix cũng phải tăng giá bán để bù đắp chi phí nhưng tổng mức tăng chưa bằng 50% chi phí đầu vào. “Khả năng sản lượng tiêu thụ của công ty năm nay sẽ giảm khoảng 10%, lợi nhuận thì gần như không có” – bà Chi than thở.

Theo bà Chi, phần lớn nguyên liệu để sản xuất bột các loại của công ty là nhập khẩu từ các thị trường Thái Lan, Nhật Bản và châu Âu nhưng đều thanh toán bằng USD. Diễn biến giá USD tăng cao gần đây ước tính đẩy giá thành sản xuất các loại bột tăng ít nhất 15%. 

“Intermix đã nhập nguyên liệu cho sản xuất đến hết năm nay nên trước mắt sức mua chậm, khách hàng, đối tác ai nấy đều khó khăn nên chúng tôi không thể tăng giá bán mà ưu tiên giữ ổn định giá cho các khách hàng là nhà sản xuất đến cuối năm” – bà Chi nói.

Siêu thị bỏ tiền túi để kích cầu

Kết quả sơ bộ từ Khảo sát mức sống dân cư trong 10 tháng năm 2022 cũng do Tổng cục Thống kê thực hiện cho thấy có đến 15,9% hộ dân cư tham gia khảo sát có thu nhập giảm so với cùng kỳ năm 2021. Trong các nguyên nhân làm giảm thu nhập, có 71,8% hộ gia đình đánh giá do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19; 20% hộ đánh giá do thành viên của hộ mất việc làm/tạm nghỉ việc và 16,3% hộ đánh giá do chi phí đầu vào của các hoạt động sản xuất – kinh doanh của hộ tăng.

Trong khi đó, khảo sát của Công ty CP Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) thực hiện trong tháng 8 cho thấy lạm phát tăng và duy trì ở mức cao trong nửa đầu năm 2022 gây sức ép lên sức mua của người tiêu dùng.

Trong bối cảnh thu nhập trung bình chưa tăng kịp so với lạm phát, người tiêu dùng phải cắt giảm chi tiêu đối với hầu hết mặt hàng không thiết yếu. Nếu tình trạng này tiếp tục gia tăng, người dân sẽ cắt giảm chi tiêu đối với nhóm hàng thiết yếu như thực phẩm, đồ uống, hàng tiêu dùng nhanh…

Lo ngại sức ép lạm phát sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến quyết định chi tiêu của người tiêu dùng, các nhà bán lẻ đã tính toán giải pháp trợ giá đồng thời kích cầu tiêu dùng từ nay đến cuối năm thông qua “chìa khóa” là khuyến mãi.

Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Giám đốc vận hành chuỗi Co.opmart, cho biết đến thời điểm này, Saigon Co.op đã chốt sản lượng lẫn giá bán đối với một số mặt hàng thiết yếu và hàng bình ổn thị trường. 

“Tinh thần là Saigon Co.op sẽ nỗ lực ổn định mặt bằng giá bán trong hệ thống nhằm giữ giá tốt nhất cho người tiêu dùng. Trong tình huống mọi chi phí đầu vào tăng mạnh, Saigon Co.op cũng sẽ nỗ lực kéo giãn thời gian điều chỉnh giá để khách hàng có lợi nhất” – ông Thắng khẳng định.

Cũng theo ông Thắng, từ nay đến Tết, nhằm tạo điều kiện tối đa cho khách hàng mua sắm tiết kiệm, Saigon Co.op sẽ liên tục triển khai các chương trình khuyến mãi theo chủ đề và theo nhóm hàng. Ngay thời điểm này, chương trình khuyến mãi “4 triệu tin yêu – 1 lòng tri ân” đang giảm giá cho hơn 40.000 sản phẩm nhu yếu (kéo dài từ ngày 27-10 đến 9-11).

Ông Đinh Quang Khôi, Giám đốc marketing hệ thống MM Mega Market, cũng cho biết hệ thống đang lên kế hoạch kích cầu tiêu dùng cuối năm bằng cách bỏ tiền túi làm chương trình khuyến mãi cho các sản phẩm thiết yếu và sản phẩm có tỉ lệ tăng giá nhiều nhất. “Tình hình là năm nay các nhà cung cấp đã cạn kinh phí nên siêu thị phải trích ngân sách làm chương trình” – ông Khôi chia sẻ.

Nêu dự báo người tiêu dùng sẽ hạn chế chi tiêu Tết so với những năm trước, bà Phạm Thi Vân, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra), cho biết giai đoạn này, chi phí đầu vào cho sản xuất lẫn phân phối đều bị đội lên, người tiêu dùng lại rất nhạy cảm về giá. 

“Trong vai trò DN phân phối tham gia bình ổn thị trường, chúng tôi phải chọn lọc những mặt hàng thiết yếu, cam kết không tăng giá hàng bình ổn để phục vụ người dân. Riêng những mặt hàng hóa phẩm, hóa mỹ phẩm, trong trường hợp nhà cung cấp tăng giá, Satra sẽ cố gắng tối đa để giữ ổn định giá, nếu phải tăng thì cũng cân đối, không tăng quá nhiều làm ảnh hưởng đến sức mua” – bà Vân thông tin.

Ngoài giải pháp này, Satra còn đẩy mạnh phát triển hàng nhãn riêng để tăng sự lựa chọn về hàng chất lượng, giá tốt cho khách hàng. Trước mắt, trong tháng 11, 3 sản phẩm hàng nhãn riêng là nước giặt xả, nước lau sàn, muối Satra được tung ra thị trường, kèm theo những khuyến mãi hấp dẫn. 

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP HCM, nêu khó khăn lớn nhất hiện nay là các DN đang vào chu kỳ sản xuất, kinh doanh hàng Tết trong điều kiện giá nguyên vật liệu đầu vào vẫn đang trên đà tăng, tỉ giá tăng. Do đó, DN cần nhiều vốn lưu động hơn để phục vụ sản xuất cuối năm nhưng thanh khoản của ngân hàng kém dẫn đến DN lo thiếu vốn tạm thời.

Trước áp lực lãi suất tăng, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM, cho biết thời gian tới, ngành ngân hàng duy trì cho vay DN bình ổn, giữ ổn định lãi suất cho các DN này với lãi suất thấp hơn mặt bằng chung 1%-2%.

Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)

Có thể bạn quan tâm