Sau 2 năm giãn cách xã hội tại quê nhà Hàn Quốc, anh Kim Hoe-jun mua vé máy bay giờ chót đến Hawaii – nơi anh tận hưởng tuần trăng mật cách đây 6 năm.
Trút bỏ tâm lý sợ hãi
“Tôi mua vé mà chẳng nghĩ ngợi gì nhiều. Tôi có cảm giác mình đang bù đắp cho 2 năm qua khi không thể du lịch nước ngoài thường xuyên như giai đoạn trước dịch Covid-19” – anh Kim Hoe-jun chia sẻ trước khi lên chuyến bay cất cánh từ sân bay quốc tế Incheon vào ngày 25-3.
Đã được tiêm mũi tăng cường, vợ chồng anh Kim là 2 trong những công dân Hàn Quốc tham gia “du lịch bù đắp” – trào lưu đang thịnh hành khi mọi người đổ xô đi chơi nước ngoài sau thời gian dài bị “cấm cửa”.
Xu hướng này nở rộ từ ngày 21-3, khi Hàn Quốc hủy bỏ quy định cách ly 7 ngày bắt buộc đối với hành khách đã được tiêm chủng đầy đủ từ hầu hết các nước. Tương tự nhiều quốc gia châu Á như Singapore, Nhật Bản, Úc và New Zealand, Hàn Quốc đã gỡ bỏ phần lớn quy định phòng chống dịch Covid-19 nghiêm ngặt.
Người dân xứ sở kim chi dường như đã trút bỏ tâm lý sợ hãi khi các cuộc khảo sát cho thấy họ ít lo lắng hơn về rủi ro lây nhiễm Covid-19.
Theo Reuters, các hãng hàng không và công ty lữ hành thời gian qua ghi nhận nhu cầu bùng nổ đối với các chuyến bay đến Hawaii, Guam (Mỹ), Tây Ban Nha cũng như vài điểm du lịch nổi tiếng ở châu Âu và Đông Nam Á – nơi hành khách được miễn cách ly nếu có chứng nhận tiêm chủng hoặc kết quả xét nghiệm âm tính.
Hành khách đeo khẩu trang làm thủ tục tại sân bay quốc tế Incheon – Hàn Quốc, ngày 25-3. Ảnh: REUTERS
Saipan và Guam – 2 vùng lãnh thổ ủy trị của Mỹ có hiệp ước “bong bóng du lịch” với Hàn Quốc – chấp nhận cung cấp xét nghiệm Covid-19 miễn phí và thanh toán chi phí cách ly nếu du khách có kết quả dương tính. Mỗi công dân Hàn Quốc đến thăm Saipan thậm chí còn nhận được 100 USD “ưu đãi du lịch” để chi tiêu tại hòn đảo này.
Trong khi đó, Lee Tae-woo, một du khách 36 tuổi thường xuyên đến Nhật Bản trước đây, cho biết anh đã đổi tiền sẵn, tận dụng sự suy giảm mạnh của đồng yen và hy vọng có thể sớm gia nhập trào lưu “du lịch bù đắp”. Mặc dù chưa cho phép du khách trở lại, Nhật Bản đã rút ngắn thời gian cách ly đối với những hành khách nhập cảnh vì mục đích khác, như công việc, từ 7 ngày còn 3 ngày.
Cuồng nhiệt thái quá
Khi chính phủ Ấn Độ thông báo khởi động lại các chuyến bay quốc tế vào ngày 27-3, sau 2 năm hạn chế vì dịch Covid-19, ông Jaideep Kelkar lập tức đặt kỳ nghỉ kéo dài một tuần tại Maldives cho cả gia đình. Đây là một trong hàng ngàn gia đình thượng lưu Ấn Độ đang đổ xô du lịch nước ngoài khi chính phủ nới lỏng phong tỏa giữa lúc số ca nhiễm giảm mạnh.
Theo báo South China Morning Post, nghiên cứu được Công ty Agoda (Singapore) tiến hành gần đây cho thấy 39% dân số Ấn Độ lên kế hoạch du lịch nước ngoài trong năm nay, với Sri Lanka, Maldives và Dubai là những điểm đến được quan tâm nhất.
Dù vậy, không phải người dân Ấn Độ nào cũng hào hứng với việc du lịch nước ngoài cũng như việc du khách nước ngoài đến thăm quốc gia của họ. Theo Local Circles, một trong những nền tảng mạng xã hội phổ biến nhất tại Ấn Độ, một khảo sát được công bố gần đây cho thấy chỉ 25% dân số nước này ủng hộ quyết định nối lại hoạt động bay quốc tế của chính phủ.
“Kết quả khảo sát cho biết 69% dân số Ấn Độ hoài nghi với quyết định của chính phủ. Họ lo lắng về rủi ro sức khỏe mà du khách Ấn Độ có thể gây ra cho cộng đồng sau khi trở về từ nước ngoài” – Local Circles khẳng định, đồng thời cho biết phần lớn người dân Ấn Độ muốn chính phủ mở cửa biên giới trước tiên là với những quốc gia có tỉ lệ xét nghiệm dương tính dưới 5%.
Với ông Subhash Thakur, một doanh nhân ở New Delhi, trào lưu du lịch nước ngoài đang được hưởng ứng một cách cuồng nhiệt thái quá. “Mọi người nên bình tĩnh, những địa điểm này có chạy mất đâu mà lo. Tại sao không đợi thêm một thời gian nữa để tránh gây nguy hiểm cho sức khỏe người khác… Chẳng phải chúng ta đã trả giá đắt vì thiếu cẩn trọng rồi sao?” – người đàn ông 53 tuổi đặt câu hỏi.
Đua nhau cưới!
Hơn 2 năm đại dịch khiến nhiều cặp đôi phải hoãn, thậm chí là hủy, ngày vui của mình. Giờ là lúc đám cưới trở lại rầm rộ, theo dự báo của trang The Knot – chuyên lên kế hoạch tổ chức hôn lễ ở Mỹ.
The Knot ước tính sẽ có khoảng 2,6 triệu đám cưới diễn ra ở xứ sở cờ hoa trong năm 2022, vượt qua con số 2,2 triệu của năm 2019 (trước khi dịch Covid-19 bùng phát). Bà Lauren Kay, Tổng Biên tập trang The Knot, nhận xét: “Năm nay không chỉ chứng kiến nhiều lễ cưới nhất trong những năm gần đây mà còn bắt đầu chào đón hôn lễ của thế hệ Z (sinh ra từ năm 1997-2010)”.
Không chỉ các cặp cô dâu – chú rể được giải tỏa tâm trạng mà cả ngành dịch vụ hôn lễ ở Mỹ cũng trút bỏ gánh nặng. Trong năm ác mộng 2020, hàng loạt doanh nghiệp trong ngành này lâm vào cảnh chèo chống lao đao.
Ngay cả khi chương trình tiêm chủng vắc-xin Covid-19 phát huy tác dụng, các cặp đôi làm lễ cưới trong năm 2021 vẫn chọn tổ chức quy mô nhỏ, ngoài trời hoặc trực tuyến. Bây giờ là lúc để họ… cưới bù! Azazie, hãng bán váy và phụ kiện cưới lớn trên mạng, chia sẻ năm nay họ có khả năng đạt mức tăng trưởng doanh số tới 200%.
“Một số đám cưới diễn ra trong năm nay vốn là tổ chức lại sau khi bị hoãn do dịch Covid-19.
Một số là phiên bản thứ hai đình đám hơn để bù đắp đám cưới đầu khiêm tốn trong phạm vi gia đình” – ông Ranu Coleman, Giám đốc tiếp thị của Azazie, giải thích.
Tâm lý thoải mái khiến nhiều cặp đôi không quá chú ý đến chuyện tiền nong, theo ông Tim Chi – Giám đốc điều hành của Công ty The Knot Worldwide. Trao đổi với đài CNN, ông Chi cho rằng chi phí tổ chức đám cưới năm 2022 “ít nhất cũng bằng mức của năm 2021”.
Bình quân một đám cưới ở Mỹ năm ngoái tiêu tốn tổng cộng 34.000 USD, bao gồm phần nghi lễ, đãi tiệc, nhẫn cưới… Chi phí năm nay có thể cao hơn – một phần do lạm phát đang leo thang và chuỗi cung ứng bị gián đoạn. Đặc biệt, nhiều cặp đôi vẫn ưu tiên giữ an toàn mùa dịch, theo ông Chi, bằng việc chuẩn bị sẵn nước rửa tay hoặc tổ chức tiệc ngoài trời để bảo đảm giãn cách.
Hải Ngọc
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)