Chiều ngày 15/7, tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức hội thảo ‘Phát triển nông nghiệp bền vững gắn với bảo vệ môi trường’. Hội thảo này là một phần quan trọng trong chương trình giám sát chuyên đề của Quốc hội, nhằm đánh giá thực trạng và tìm giải pháp cho sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, tài nguyên đất nước và đa dạng sinh học đang suy giảm nghiêm trọng, ô nhiễm môi trường nông thôn và khu vực sản xuất nông nghiệp đang gia tăng, các đại biểu nhận định rằng ngành nông nghiệp nước ta phải chuyển đổi mô hình phát triển từ khai thác tối đa sang phát triển hài hòa bền vững. Điều này đòi hỏi sự chuyển đổi từ chú trọng sản lượng sang chú trọng chất lượng, hiệu quả và thân thiện với môi trường.

Phát triển nông nghiệp bền vững không chỉ là yêu cầu tất yếu từ thực tiễn mà còn là trách nhiệm của Việt Nam trong việc thực hiện cam kết quốc tế, đặc biệt là mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Hội thảo là dịp để các nhà quản lý, nhà khoa học, các tổ chức nghiên cứu, đào tạo doanh nghiệp và cơ quan hoạch định chính sách cùng trao đổi, chia sẻ tri thức thực tiễn và tầm nhìn để kiến tạo một nền nông nghiệp phát triển xanh, sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, cho biết hiện nay Học viện triển khai đào tạo hơn 70 ngành học, trong đó có các ngành mũi nhọn như khoa học, môi trường quản lý đất đai, công nghệ sinh học, phát triển nông thôn bền vững. Giai đoạn 2015-2025, Học viện đã công bố hơn 100 sản phẩm khoa học và công nghệ được cấp văn bằng sở hữu trí tuệ hoặc công nhận tiến bộ kỹ thuật. Nhiều công trình trong số đó hướng tới giảm phát thải, tái tạo tài nguyên, cải thiện môi trường sinh thái.
Ông Nguyễn Quốc Mạnh, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đề nghị rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện đồng bộ về sản xuất trồng trọt, bền vững, hữu cơ và sản xuất nông nghiệp sinh thái tuần hoàn, lồng ghép với yếu tố bảo vệ môi trường. Ông cũng đề nghị tham mưu ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp sản xuất thuốc bảo vệ thực vật sinh học, các chế phẩm hữu cơ, tăng cường đầu tư nghiên cứu, phát triển các tiến bộ kỹ thuật canh tác tiên tiến.
Các đại biểu cũng đề nghị hoàn thiện hành lang pháp lý, đầu tư tài chính xanh, phát triển các cơ sở đào tạo, nghiên cứu để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực nông nghiệp, có những cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân thực hiện nông nghiệp xanh.
Ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed, cho rằng vấn đề chính không phải là vấn đề kỹ thuật mà chính là vấn đề chính sách để đưa vào cuộc sống. Ông đề nghị quy hoạch vùng sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng, hướng dẫn cho nông dân tập huấn, liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp.
Phát biểu kết luận Hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan nhấn mạnh rằng nông nghiệp tuần hoàn không bắt đầu từ đỉnh cao mà từ nền tảng. Muốn phát triển bền vững hãy bắt đầu từ những điều nhỏ nhất, không thể chờ hoàn thiện thể chế, ngân sách đủ đầy mới bắt đầu vào việc, phải bắt đầu từ từng hộ nông dân làm được việc nhỏ nhất, từng cán bộ khuyến nông nói bằng ngôn ngữ dễ hiểu nhất, từng trường, viện nghiên cứu giải pháp thiết thực nhất. Sắp tới, Quốc hội tiếp tục ưu tiên sửa đổi, bổ sung các luật liên quan để tháo gỡ rào cản, hỗ trợ đầu tư xanh và tăng cường giám sát thực thi, đảm bảo nền nông nghiệp Việt Nam không chỉ đạt mục tiêu tăng trưởng mà còn góp phần thực hiện tầm nhìn phát triển quốc gia đến năm 2045.