Trang chủ Tin tứcTin quốc tế Nữ hoàng Anh an nghỉ

Nữ hoàng Anh an nghỉ

bởi Linh

Khoảng 500 nhà lãnh đạo, các nhân vật quan trọng và thành viên các hoàng gia khắp thế giới tề tựu tại tu viện Westminster của thủ đô London vào trưa 19-9 (giờ địa phương) để tiễn đưa Nữ hoàng Anh Elizabeth II đến nơi an nghỉ cuối cùng.

Vốn hiếm khi tham dự tang lễ, Nhật hoàng Naruhito và Hoàng hậu Masako từ châu Á bay đến London. Đến từ châu Âu, Vua Harald của Na Uy, Vua Willem-Alexander của Hà Lan, Vua Carl của Thụy Điển, Vua Philippe của Bỉ, vua Felipe của Tây Ban Nha, Nữ hoàng Margrethe của Đan Mạch và Hoàng thân Albert của Monaco ngồi kề vai trong tu viện Westminster – nơi chứng kiến lễ cưới của Nữ hoàng Elizabeth II vào năm 1947 và cũng là nơi bà lên ngôi vào năm 1953.

Hàng chục ngàn người dân đã đứng chật kín các khu vực này để tiễn đưa Nữ hoàng của họ lần cuối.

Trong số các nguyên thủ quốc gia tham dự, có Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng đệ nhất phu nhân Jill Biden và các nhà lãnh đạo thuộc Khối Thịnh vượng chung như Thủ tướng Canada Justin Trudeau…

Nữ hoàng Anh an nghỉ - Ảnh 2.

Linh cữu của Nữ hoàng Anh Elizabeth II được đưa đến tu viện Westminster hôm 19-9 Ảnh: REUTERS

Ngày 19-9 đã trở thành ngày lễ quốc gia ở Anh để tưởng nhớ Nữ hoàng Elizabeth II, sau khi bà tạ thế vào ngày 8-9 ở tuổi 96. Mở đầu ngày cực kỳ bận rộn này là sự kiện khép lại cửa của Hội trường Westminster 900 tuổi, nơi đặt thi hài của Nữ hoàng cho hàng trăm ngàn người đến viếng kể từ ngày 14-9.

Trong quốc tang, từ Hội trường Westminster, linh cữu của Nữ hoàng được đưa đến tu viện Westminster bằng cỗ xe pháo hoàng gia do 142 thủy thủ Hoàng gia Anh kéo. Tháp tùng phía sau là Vua Charles III cùng với các thành viên hoàng gia – bao gồm Thái tử William và Hoàng tử Harry.

Chuông của tu viện Westminster ngân lên 96 lần, tượng trưng cho 96 năm tuổi đời của Nữ hoàng Elizabeth II. Tang lễ khép lại bằng 2 phút mặc niệm, sau đó linh cữu của Nữ hoàng được đưa đến lâu đài Windsor. Tại đây, một lễ rước đưa linh cữu bà đến nhà nguyện St George’s và Nữ hoàng Elizabeth II được an táng cùng người chồng quá cố, Hoàng thân Philip trong một nghi lễ mang tính gia đình.

Tang lễ của Nữ hoàng được truyền hình trực tiếp tới hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới. Đây cũng là quốc tang đầu tiên của Vương quốc Anh kể từ năm 1965, khi cố Thủ tướng Winston Churchill qua đời. Ông là thủ tướng Anh đầu tiên trong số 15 thủ tướng điều hành đất nước trong thời gian Nữ hoàng trị vì. Chỉ 2 ngày trước khi tạ thế, Nữ hoàng Elizabeth II đã bổ nhiệm tân Thủ tướng Liz Truss.

Nữ hoàng Anh an nghỉ - Ảnh 3.
Nữ hoàng Anh an nghỉ - Ảnh 4.

Linh cữu của Nữ hoàng Elizabeth II trên đường đến lâu đài Windsor. Ảnh: Reuters

Nữ hoàng Anh an nghỉ - Ảnh 5.

Với khoảng 2.000 khách mời, tính chất trọng đại của quốc tang đồng nghĩa với việc thủ đô London trải qua chiến dịch an ninh lớn nhất lịch sử của mình. Mô tả đây là “thử thách an ninh chưa từng có”, Thị trưởng London Sadiq Khan nhấn mạnh: “Đã nhiều thập niên rồi mới có dịp rất nhiều nhà lãnh đạo thế giới cùng có mặt tại một địa điểm như vậy”.

Hơn 10.000 cảnh sát được huy động trong ngày 19-9, từ tất cả 43 lực lượng của cảnh sát Anh. Trong khi hệ thống cống và mọi thùng rác bị kiểm tra và niêm phong thì trên các mái nhà, đường phố và trên sông Thames đều dày đặc lực lượng an ninh. Thiết bị bay không người lái tạm thời bị cấm ở trung tâm London, còn sân bay Heathrow ngừng bay nhiều chuyến để tránh làm ồn quốc tang.

Theo AP, các tổng thống, thủ tướng, thành viên hoàng gia… tập trung tại một bệnh viện gần đó và được đưa đến tu viện Westminster bằng xe buýt. Ngoại lệ duy nhất dành cho Tổng thống Mỹ Joe Biden – ông đến tu viện bằng chuyên xe “Quái thú” (The Beast) quen thuộc.

Một nhiệm vụ quan trọng khác là bảo đảm an ninh cho lễ rước thi hài Nữ hoàng trên đường phố ở trung tâm London, với tổng chiều dài 40 km. Hàng chục ngàn người dân đã đứng chật kín các khu vực này để tiễn đưa Nữ hoàng của họ lần cuối. 

Theo Bộ Ngoại giao, được sự ủy quyền của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã tới Vương quốc Anh tham dự lễ tang của Nữ hoàng Elizabeth II vào ngày 19-9.

Trước đó, được tin Nữ hoàng Anh Elizabeth II qua đời, ngày 9-9, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã gửi điện chia buồn đến Vua Charles III, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gửi điện chia buồn đến Thủ tướng Anh Elizabeth Truss, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã gửi điện chia buồn đến Chủ tịch Thượng viện Anh John McFall và Chủ tịch Hạ viện Anh Lindsay Hoyle.

Trong điện, lãnh đạo cấp cao Việt Nam bày tỏ trân trọng tình cảm tốt đẹp và sự ủng hộ quý báu của Nữ hoàng trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam – Anh.

D.Ngọc

Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)

Có thể bạn quan tâm