Mùa giải thứ 3 của giải thưởng Thiếu nhi Dế mèn không có giải thưởng lớn “Hiệp sĩ Dế mèn”.
Ngoài An Băng, ban tổ chức đã trao 5 giải “Khát vọng Dế mèn” cho các tác giả, tác phẩm xứng đáng nhất là “Biệt đội thám tử” và “Emma thảm họa” (2 truyện dài của Quyên Gavoye), “Cơ bản là cơ bản” (Phạm Huy Thông), “Chiếc dép thất lạc” của Geralda De Vos (Bỉ) – Sofia Holt (Thụy Điển) do Kim Ngọc dịch, “Đu đưa trên ngọn cây bàng” (bản thảo, Nguyễn Hoàng Diệu Thủy).
Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam (phải), trao giải “Khát vọng Dế mèn” cho tác giả nhí An Băng
Khởi động từ đầu tháng 4, giải thưởng đã thu hút 89 tác phẩm, chùm tác phẩm dự thi, 60 bản thảo và 29 tác phẩm đã công bố hoặc xuất bản trong thời gian từ quý II/2021 đến tháng 5-2022. Nếu như ở 2 mùa giải trước, chỉ có các tác giả trong nước thì mùa giải lần 3 này đã thu hút các tác phẩm của tác giả Việt kiều hoặc các tác giả, họa sĩ người nước ngoài có nhiều năm gắn bó với Việt Nam và sáng tác hướng tới đối tượng là thiếu nhi Việt Nam.
Đáng chú ý hơn, giải thưởng Thiếu nhi Dế mèn năm nay đã nhận được một số tác phẩm do các em thiếu nhi từ 9-12 tuổi sáng tác. Không chỉ là thơ, truyện ngắn, có em còn viết tiểu thuyết giả tưởng dài 3 tập, dày hàng trăm trang, dựng lên một thế giới nghệ thuật đồ sộ. Có em viết truyện dài trực tiếp bằng tiếng Anh sau đó tự dịch ra tiếng Việt để in sách song ngữ Việt – Anh, xác lập nên một kỷ lục đẹp trong đời sống văn học thiếu nhi.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)