Tập đoàn Geleximco vừa ký thỏa thuận thuê 50 ha đất, hạ tầng tại Khu Công nghiệp Tiền Hải (tỉnh Thái Bình) của Tổng Công ty Viglacera để đầu tư, xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp ôtô.
Xây nhà máy hàng chục triệu USD
Dự án có tổng vốn đầu tư 800 triệu USD, được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 dự kiến đầu tư 300 triệu USD, khởi động từ quý I/2023, đưa vào hoạt động vào quý III/2024, sản lượng lắp ráp khoảng 50.000 ôtô/năm. Giai đoạn 2, Geleximco đầu tư thêm 500 triệu USD mở rộng nhà máy, dự kiến đưa vào hoạt động từ năm 2030, sản lượng lắp ráp khoảng 100.000 xe/năm.
Theo ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Geleximco, nhà máy sản xuất, lắp ráp ôtô của tập đoàn được trang bị hiện đại, có đầy đủ các khâu trong quy trình sản xuất xe như hàn, sơn, lắp ráp; có hệ thống kiểm tra chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ và quy định của luật pháp; trình độ tự động hóa cao. Về công nghệ sản xuất, nhà máy sử dụng công nghệ tiên tiến của châu Âu, bảo đảm tạo ra những sản phẩm chất lượng cao và thân thiện với môi trường. Nhà máy sản xuất, lắp ráp ôtô Geleximco hướng đến sản xuất dòng ôtô sử dụng nhiên liệu thân thiện như xe điện, xe pin nhiên liệu. Nhà máy còn sản xuất các linh kiện, phụ tùng ôtô cung cấp cho các đối tác, đồng thời hướng tới việc xuất khẩu.
Geleximco triển khai dự án theo hình thức liên doanh. Tập đoàn đang đàm phán với hai đối tác nước ngoài có kinh nghiệm trong lĩnh vực ôtô, trong đó có hãng xe Chery của Trung Quốc.
Nếu thương vụ đàm phán trên thành công, Chery sẽ là nhà đầu tư Trung Quốc đầu tiên trong lĩnh vực ôtô tại Việt Nam. Khi đó, xe ôtô Trung Quốc sản xuất, lắp ráp trong nước không bị thuế nhập khẩu cũng như chi phí vận chuyển sẽ giảm giá thành đáng kể, từ đó tạo sức hút mới tại thị trường Việt Nam.
Xe Trung Quốc có lợi thế về mẫu mã, công nghệ
Theo đuổi hình ảnh hàng tốt giá cao
Trước đây, ôtô Trung Quốc xâm nhập thị trường Việt Nam với chủ trương giá rẻ, chỉ khoảng 200 triệu đồng/chiếc, nên chất lượng, mẫu mã khá tệ. Vì vậy, chỉ một thời gian ngắn, ôtô Trung Quốc phải chấp nhận rút lui vì không được khách hàng đón nhận. Tuy nhiên, khoảng 3-4 năm trước, xe Trung Quốc tiếp tục quay lại thị trường Việt Nam với nhiều mẫu mã sang trọng, được trang bị nhiều công nghệ tiên tiến với mức giá khá bình dân, khoảng 500-700 triệu đồng/chiếc.
Sau đại dịch COVID-19, những loại xe Trung Quốc giá rẻ ngày càng ít đi để mở đường cho dòng xe có giá tiền tỉ. Cụ thể, gần đây tại một showroom ôtô Trung Quốc ở TP HCM bày bán nhiều mẫu xe Trung Quốc có giá đến vài tỉ đồng, từ xe động cơ xăng, xe lai hybrid đến xe thuần điện. Xe có kiểu dáng sang trọng, được trang bị công nghệ tràn ngập. Điển hình, xe của hãng Hongqi với nhiều phiên bản: E-HS9 (SUV 7 chỗ) có giá 2,968 tỉ đồng, E-HS9 (6 chỗ) 3,339 tỉ đồng, E-HS9 (4 chỗ) 3,688 tỉ đồng. Các mẫu sedan Hongqi H9 có giá từ 1,5-2,688 tỉ đồng, tùy phiên bản. Ngoài ra còn có mẫu xe X7 của hãng Beijing có giá 718 triệu đồng.
Giới kinh doanh ôtô cho rằng xe Trung Quốc hiện nay chủ yếu đánh vào phân khúc giá cao nhằm tạo tâm lý giá càng cao thì xe càng chất lượng. “Thời điểm này họ không quan tâm đến việc bán hàng mà chủ yếu đang trong quá trình gầy dựng lại hình ảnh ôtô Trung Quốc có chất lượng cao, tràn ngập công nghệ với mục đích là nâng cao giá trị xe Trung Quốc” – ông Lưu Thanh Trọng, Giám đốc kinh doanh – marketing Công ty TNHH TM-DV Auto Hoàng Đức, nhận định.
Nói về việc Tập đoàn Geleximco liên doanh với doanh nghiệp Trung Quốc xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp ôtô, chuyên gia Nguyễn Minh Đồng cho rằng trong giai đoạn đầu, không nên sản xuất, lắp ráp ngay xe thuần điện mà nên làm xe lai trước vì hiện cơ sở hạ tầng cho xe điện ở Việt Nam vẫn chưa đầy đủ. 5-10 năm nữa tập trung vào dòng xe điện thì sẽ thành công. “Sở dĩ họ thành công vì Trung Quốc có công nghệ, kể cả việc làm chủ và tự sản xuất được pin. Dung lượng pin của họ thậm chí còn vượt hơn cả châu Âu, với quãng đường di chuyển lên đến 800 km thậm chí 1.000 km” – ông Đồng lý giải.
Còn theo ông Phương Anh Phát, Tổng Giám đốc Công ty TNHH JVA TP HCM, thị trường ôtô trong nước còn lớn, còn nhiều phân khúc chưa được khai thác hết, khách hàng còn nhiều lựa chọn. Tuy nhiên với thương hiệu mới đòi hỏi phải có thời gian cũng như phải thực hiện nhiều chính sách, chiến lược, kể cả làm thương hiệu một cách quyết liệt. Không chỉ làm thương hiệu tại các thành phố lớn mà còn phải tìm đến các tỉnh, vùng nông thôn để khai thác triệt để tiềm năng ở các phân khúc khác nhau.
Bán xe ra nước ngoài để thu hút khách nội địa
Chuyên gia ôtô Nguyễn Minh Đồng cho rằng kế hoạch xuất khẩu ôtô của Tập đoàn Geleximco là “hướng đi sáng”. Bỡi lẽ lâu nay thị trường trong nước không định được giá trị ôtô Trung Quốc do tâm lý lâu nay xem hàng Trung Quốc đều có vấn đề, kém chất lượng. “Do đó, nếu họ xuất bán sang Mỹ, châu Âu để làm thị trường, khi tiêu thụ được ở những thị trường lớn sẽ tác động đến tâm lý của khách hàng trong nước” – ông Đồng nói.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)