Trang chủ Giải tríSao Phạm Văn Đằng: Không thôi đam mê

Phạm Văn Đằng: Không thôi đam mê

bởi Linh

Tối 5-11, ở Liên hoan Sân khấu cải lương toàn quốc 2021 (do đại dịch COVID -19, năm nay mới tổ chức) trong số 27 vở diễn tham gia tranh tài, có đến 3 kịch bản của tác giả trẻ Phạm Văn Đằng. Đó là “Chân dung người mở cõi” (viết về nhân vật lịch sử Nguyễn Hữu Cảnh, chuyển thể từ kịch bản của tác giả Phạm Dũng), “Câu hò đất mẹ” (viết về nhà cách mạng Nguyễn Thị Minh Khai, chuyển thể từ kịch bản của tác giả Nguyễn Thanh Bình) và “Sống mãi với non sông” do chính anh sáng tác, ca ngợi nhà giáo cách mạng, anh hùng dân tộc Châu Văn Liêm.

Chọn hướng đi từ niềm đam mê

Trong điều kiện sáng tác gặp nhiều khó khăn, sàn diễn cải lương gần đây chỉ công diễn các vở cũ nhằm bảo đảm doanh thu, nỗ lực sáng tác của Phạm Văn Đằng là tín hiệu tích cực.

Phạm Văn Ðằng chia sẻ anh bắt đầu sáng tác từ khi còn là sinh viên lớp trung cấp diễn viên cải lương khóa 25 Trường Cao đẳng Sân khấu Điện ảnh TP HCM (nay là Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP HCM). Sinh ra và lớn lên ở Vị Thanh (Hậu Giang) có dòng kênh êm ả, những ngày đồng áng rộn ràng tiếng hát lời ca, Phạm Văn Đằng làm quen với bài vọng cổ và âm nhạc ngũ cung qua những chiếc radio phát thanh giữa trưa hè của bà con nông dân.

Nhờ sức trẻ và niềm đam mê được định hướng, bút pháp của anh ngày càng được trau dồi. Ban đầu là việc cho ra đời đều đặn những bài ca cổ, tân cổ giao duyên, những chập cải lương ngắn… cung cấp cho sinh viên tại trường làm bài thi hoặc gửi đến các đài phát thanh để tìm đầu ra cho những “đứa con tinh thần”, dần dà anh nắm bắt được và đưa vào lời ca, câu thoại nhân sinh quan về cuộc sống để nâng cao ý nghĩa của lời hát. Đến nay, Phạm Văn Đằng đã có trong tay một lượng tác phẩm khá lớn với hơn 300 bài vọng cổ và hàng chục kịch bản cải lương. Tất cả những sáng tác của anh đều đến được với người mộ điệu qua các chương trình giới thiệu bài ca cổ của các đài truyền hình.

“Sàn diễn cải lương sau cú hích cuộc thi Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang, rồi đến Liên hoan Sân khấu cải lương toàn quốc tại Long An, sự xuất hiện của đội ngũ tác giả trẻ, trong đó có Phạm Văn Đằng, cho thấy dấu hiệu lạc quan về sự hồi sinh mạnh mẽ của sân khấu cải lương” – NSND Thoại Miêu nhấn mạnh.

Phạm Văn Đằng: Không thôi đam mê - Ảnh 1.

Tác giả trẻ Phạm Văn Đằng. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Đa dạng hóa bút pháp

Tại cuộc thi Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang năm 2022, Phạm Văn Đằng đã cung cấp một số lượng lớn tác phẩm cho thí sinh thi thố tài nghệ, vòng sơ tuyển có “Nỗi lòng Ai Quận Vương” (diễn viên Nguyễn Quốc Nhựt), “Chân dung” (diễn viên Cao Thúy Vy – đoạt huy chương vàng), “Anh hùng” (diễn viên Hoàng Thanh) và vòng chung kết có “Quả báo trả vay” (nghệ sĩ Loan Phụng), “Bi kịch” (diễn viên Cao Thúy Vy), “Liệt nữ anh thư” (diễn viên Phương Cẩm Ngọc), “Oan khuất” (nghệ sĩ Hải Long)…

Nền tảng hùng hậu này bắt nguồn từ khi còn rất trẻ, Đằng đã đọc sách văn học, nghe nhiều băng đĩa sân khấu. Từ Hậu Giang lên TP HCM lập nghiệp, ngoài Trường Cao đẳng Sân khấu Điện ảnh TP HCM, anh còn theo học Anh ngữ tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn rồi Nhật ngữ tại Trường Đại học Hồng Bàng.

Phạm Văn Đằng hiện công tác tại Phòng Nghệ thuật Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang. Anh cho biết rất bất ngờ với giải thưởng danh giá từ cuộc thi Trần Hữu Trang và hạnh phúc vì những đóng góp đã được ghi nhận. Trong bối cảnh sân khấu cải lương đang dần ít lực lượng sáng tác, giải thưởng như sự khích lệ, động viên, tiếp thêm nghị lực cho những tác giả trẻ vững tin bước tiếp trên hành trình.

Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)

Có thể bạn quan tâm