Hành tinh thứ nhất được tiết lộ trong bài công bố mới trên tạp chí Nature, mang tên WASP-178b, là một sao Mộc nóng siêu nhanh, nằm cách chúng ta 1.300 năm ánh sáng trong chòm sao Sài Lang (Lupus).
Theo Sci-News, nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi tiến sĩ David Sing từ Trường ĐH John Hopkins (Mỹ) phát hiện hành tinh này có 2 mặt hoàn toàn khác nhau, vì bị “khóa” vào sao mẹ, như cách Mặt Trăng bị khóa với Trái Đất, luôn chỉ hướng về “mẹ” một mặt duy nhất.
Ảnh đồ họa của nghệ sĩ về một “Sao Mộc nóng”, dạng ngoại hành tinh khí to như Sao Mộc và nóng bỏng vì nằm quá gần sao mẹ – Ảnh: NASA/ESA/LEAH HUSTAK, STScI
Ở mặt ban ngày, bầu khí quyển của WASP-178b không có mây và được làm giàu bằng khí silicon monoxide (SiO), thứ ở trên Trái Đất phải là dạng tinh thể. Nhưng ban ngày ở hành tinh này quá nóng nên nó hóa hơi.
Ở mặt ban đêm vĩnh cửu, SiO “nguội” hơn một chút nên ngưng tụ hành mưa đá, rơi liên tục. Chưa kể mặt này còn có những cơn lốc xoáy hoành hành liên tục với tốc độ siêu bão (3.219 km/giờ).
Nhưng vào lúc bình minh và hoàng hôn ở mặt ban đêm, nhiệt độ nóng hơn một chút giúp đống đá từ những trận mưa bốc hơi, rồi tiếp tục ngưng tụ thành mây, gây mưa y như cách nước tuần hoàn ở Trái Đất.
Hành tinh thứ 2 là một sao Mộc nóng tên KELT-20b, được giới thiệu trên tạp chí Astrophysical Journal Lettes, nằm cách xa chúng ta 400 năm ánh sáng trong chòm sao Thiên Nga (Cygnus).
Trên hành tinh này, sự bùng nổ tia cực tím của ngôi sao mẹ đang tạo ra một lớp nhiệt trong khí quyền, đốt nóng các kim loại đang trong trạng thái bị bốc hơi, khiến hành tinh vốn đã nóng bỏng này trở thành một địa ngục thật sự.
Tiến sĩ Guangwei Fu, nhà thiên văn học từ Trường ĐH Maryland ở College Park (Mỹ), cho biết đây là bằng chứng đầu tiên về một hành tinh bị sao mẹ ảnh hưởng trực tiếp đến bầu khí quyển.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)