Đó là 2 ngoại hành tinh mà các tính toán cho thấy chúng có mật độ tương đương Trái Đất hay Sao Hỏa, tức cùng là dạng hành tinh đá.
Theo Science Alert, cả 2 được xác định bởi nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi nhà thiên văn học Laetitia Delrez từ Trường Đại học Liège – Bỉ nhờ phép đo quá cảnh, tức đo lường sự thay đổi của ánh sáng ngôi sao mẹ khi ngoại hành tinh vô tình bay ngang mặt nó theo góc nhìn từ Trái Đất.
Chân dung hai siêu Trái Đất quay quanh sao lùn đỏ – Ảnh: NASA, ESA, and G. Bacon/STScI
Họ đã sử dụng các kính thiên văn nhạy cảm với bước sóng cận hồng ngoại do sao lùn đỏ TOI-4306 phát ra và xác định 2 siêu Trái Đất mang tên LP 890-9b và LP 890-9c.
LP 890-9b có đường kính gấp 1,32 lần Trái Đất và khối lượng gấp 13 lần; LP 890-9c có đường kính gấp 1,37 lần và khối lượng gấp 25 lần.
LP 890-9c đặc biệt trở nên thú vị bởi nó nằm trong “vùng sự sống” của ngôi sao mẹ, tức có khoảng cách vừa đủ để nhiệt lượng từ sao mẹ cung cấp cho nó một khí hậu ôn hòa, giúp nước có thể ở trạng thái lỏng như trên Trái Đất.
Đó chính là dạng hành tinh có thể sống được mà nhân loại luôn tìm kiếm.
Siêu Trái Đất thú vị này cách sao mẹ một khoảng cách gần hơn nhiều so với khoảng cách Mặt Trời – Trái Đất và 1 năm ở đó chỉ kéo dài 8,4 ngày Trái Đất. Tuy nhiên sao lùn đỏ mát hơn Mặt Trời rất nhiều nên kéo “vùng sự sống” về gần nó hơn, khoảng cách gần của hành tinh vô tình trở nên phù hợp.
Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học Astronomy & Astrophysics.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)