Các tế bào phổi mới được đặt tên là “tế bào bài tiết đường hô hấp” – RASC. Chúng xếp thành nhánh dọc các đường thở nhỏ, gần các cấu trúc phế nang, nơi oxy được trao đổi, biến thành carbon dioxide (CO2).
RASC biến đổi thành AT2 ngoạn mục khi được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm – Ảnh: Nature
Đặc biệt hơn, nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi giáo sư Edward Morrisey, Giám đốc Viện Sinh học phổi Penn-CHOP thuộc Trường Y khoa Perelman, nhận thấy chúng có các đặc tính giống như tế bào gốc, có thể biến hình thành bất cứ dạng tế bào nào cần thiết cho hoạt động bình thường của phế nang.
Như vậy, dạng tế bào đặc biệt này như một thứ “của để dành” của phổi người, chịu trách nhiệm tái tạo lại những gì bị tổn thương bên trong các phế nang do bệnh lý hay các tác động khác.
Theo Sci-News, các nhà nghiên cứu cũng tìm thấy bằng chứng cho thấy hút thuốc lá và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) có thể phá vỡ chức năng của các tế bào đặc biệt này.
Do đó, một phương pháp bảo vệ các tế bào RASC, điều chỉnh sự gián đoạn của cơ chế tái tạo tự nhiên trong phổi người sẽ là cách tốt để điều trị COPD, căn bệnh vẫn còn nan giải với y học thế giới.
Một trong những “nhân dạng” sau khi biến hình thành công của RASC là các tế bào AT2, rất cần thiết cho việc giữ cho các phế nang khỏe mạnh. AT2 đã được biết là trở nên bất thường trong bệnh COPD và nhiều bệnh phổi khác.
Một điểm thú vị khác là các tế bào biết biến hình này có thể là “tài sản riêng” của loài người. Các cuộc kiểm tra trên chuột không hề tìm thấy RASC.
Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Nature.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)