Nhóm khoa học gia dẫn đầu bởi nhà cổ sinh vật học và sinh học tiến hóa Nick Longrich từ Trường ĐH Bath (Anh) đã khai quật được con thủy quái trong các lớp hóa thạch phosphate ở Morocco.
Theo Science Alert, nó là một loài thương long (mosasaur) hoàn toàn mới, được đặt tên là Thalassotitan atrox, với kết quả tái hiện chân dung gây sốc. “Hãy tưởng tượng một con rồng Komodo lai với một con con cá mập trắng lớn, lai thêm với một con T-rex (khủng long bạo chúa) rồi với một con cá voi sát thủ” – tiến sĩ Longrich mô tả.
Ảnh đồ họa mô tả thủy quái Thalassotitan atrox. Ảnh: BATH UNIVERSITY
Khi phân tích dòng máu của loài thương long kỳ lạ này, các tác giả nhận thấy nó có dòng máu liên quan đến rắn và cự đà. Mẫu vật được khai quật có chiều dài 9-10 m khi còn sống nhưng ước tính kích thước có thể lên tới 12 m khi trưởng thành hoàn toàn. Chiều dài này gấp đôi một con cá sấu hiện đại.
Hộp sọ hóa thạch cũng cho thấy một bộ hàm đáng sợ, tuy những chiếc răng không to nhưng sắc bén và hàm có sức cắn mạnh.
Trong khi hầu hết các thương long săn các con cá hay các loài nhuyễn thể cổ đại, con thương long “quái vật” này ưa chuộng rùa biển, thằn lằn đầu rắn và các loài khủng long khác.
Hóa thạch hộp sọ và một phần đốt sống của thủy quái – Ảnh: BATH UNIVERSITY
Điều này được xác định thông qua những gì còn lại của nhiều con cá săn mồi lớn, mai rùa biển, hộp sọ thằn lằn đầu rắn và 3 loài thương long nhỏ khác rải rác xung quanh vị trí con Thalassotitan atrox xuất hiện. Tất cả đều có dấu hiệu bị mòn do axit – thứ tiết ra trong dạ dày – cho thấy chúng chết vì bị ăn thịt.
Trong 25 triệu năm cuối của kỷ Phấn Trắng, các loài thương long ngày càng trở nên chuyên biệt và đa dạng hơn mà con Thalassotitan atrox này là một sản phẩm “cao cấp” của dòng họ. Rất có thể điều này được thúc đẩy bởi một sự kiện tuyệt chủng nhỏ giữa kỷ Phấn Trắng mà các nhà khoa học đang nghiên cứu thêm.
Rất tiếc, cùng với các khủng long, thương long, ngư long, dực long… khác, thủy quái siêu đẳng này đã bị tuyệt diệt bởi tiểu hành tinh Chicxulub va vào Trái Đất 66 triệu năm về trước.
Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học Cretaceous Research.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)