Ngày 7-4, tỉnh Bình Phước long trọng kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng Lộc Ninh. Tham dự sự kiện có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cùng nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo trung ương và địa phương.
Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh và nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tham dự lễ kỷ niệm
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh nhấn mạnh những thành tựu to lớn và đóng góp quan trọng của Đảng bộ và Nhân dân huyện Lộc Ninh trong sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc và trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong suốt 50 năm qua là rất đáng tự hào.
Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị tỉnh Bình Phước tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện cho huyện Lộc Ninh đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đóng góp ngày càng tích cực cho sự phát triển của tỉnh, xứng đáng với truyền thống vùng đất anh hùng.
Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh xúc động phát biểu tại lễ kỷ niệm 50 năm giải phóng Lộc Ninh
Đối với huyện Lộc Ninh, Phó Thủ tướng thường trực cho rằng cần khai thác, phát huy những tiềm năng, lợi thế; tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản đối với sự phát triển; thực hiện thành công 3 chương trình đột phá về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, kinh tế cửa khẩu và du lịch. Cùng với đó, tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, xây dựng nông thôn mới.
Đồng thời, làm tốt công tác gìn giữ, bảo vệ, phát huy giá trị to lớn của các di tích lịch sử, văn hóa, nhất là các di tích cách mạng để Lộc Ninh là một “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trong huyện, nhất là thế hệ trẻ. Từ đó, khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước và để huyện trở thành những điểm đến du lịch có sức cuốn hút…
Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh thừa lệnh Chủ tịch nước trao Huân chương Độc lập hạng nhì cho huyện Lộc Ninh
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước, cho biết cùng với những thành tựu mà tỉnh nhà đã đạt được sau 25 năm tái lập, huyện Lộc Ninh cũng đã và đang thu được những thành tích mới. Đặc biệt, năm 2021 là năm khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19 nhưng nền kinh tế của huyện tiếp tục phát triển, thu ngân sách trên địa bàn đạt 573 tỷ 408 triệu đồng, tăng 96,7 lần; GRDP bình quân đầu người đạt 68,2 triệu đồng/người, tăng gấp 3,63 lần so với năm 1991.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước cho hay sự khởi sắc của kinh tế – xã hội được thể hiện rõ nét ở diện mạo đô thị và nông thôn, nhất là diện mạo nông thôn nhờ thành quả của Chương trình xây dựng nông thôn mới. Đến nay toàn huyện đã có 12/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 2 xã đạt nông thôn mới nâng cao.
Phó Thủ tướng Thường trực trao quyết định về việc công nhận xã an toàn khu và vùng an toàn khu thuộc tỉnh Bình Phước
Tại lễ kỷ niệm, huyện Lộc Ninh vinh dự đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhì, là phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước trao tặng.
Có 6 xã, thị trấn được công nhận là xã An toàn khu; huyện Lộc Ninh là vùng An toàn khu thời kỳ kháng chiến chống Mỹ… cũng là những thông tin quan trọng được công bố tại lễ kỷ niệm.
Ký ức hào hùng
Phát biểu tại buổi lễ, Trung tướng Nguyễn Đức Xê, Trưởng Ban liên lạc Sư đoàn 9, quân Đoàn 4, Bộ Quốc phòng ôn lại ký ức hào hùng trong xúc động: Ngày 10-3-1965, nhằm mục đích triển khai chiến lược “chiến tranh cục bộ”, kẻ địch đã tiến hành xây dựng mới 2 sân bay quân sự Lộc Ninh, Bù Đốp và mở rộng Chi khu quân sự Lộc Ninh.
Đặc biệt sau thất bại mùa khô năm 1971, địch tăng cường củng cố các cứ điểm và lực lượng ở huyện Lộc Ninh gồm Chiến đoàn bộ binh, thiết giáp, pháo binh, địa phương quân cùng hàng trăm cảnh sát vũ trang. Căn cứ Chiến đoàn 9 quân ngụy ở ngay thị trấn, căn cứ trung đoàn thiết giáp ở Lộc Hòa và căn cứ An Pha ở Hoa Lư.
Nhân dân chào đón quân giải phóng tiến vào Lộc Ninh, ngày 7-4-1972 (Ảnh tư liệu)
Trước diễn biến mới trên chiến trường, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương đã quyết định mở cuộc tiến công chiến lược năm 1972 trên chiến trường miền Nam. Trong đó cuộc tiến công ở miền Đông Nam Bộ được mang mật danh “Chiến dịch Nguyễn Huệ”, lấy hướng đường 13 làm hướng tiến công chủ yếu. Cứ điểm Lộc Ninh được chọn làm khu quyết chiến then chốt mở màn chiến dịch.
5 giờ 30 phút ngày 5-4-1972, Bộ Chỉ huy chiến dịch phát lệnh nổ súng tấn công đánh địch quyết tâm giải phóng huyện Lộc Ninh. Bộ đội chủ lực vây hãm, tấn công các căn cứ điểm quân sự của địch trên toàn huyện Lộc Ninh.
Đại đội 31 cùng du kích đánh chiếm đồn Bảo An làng 2, Lộc Khánh, Lộc Bình, Lộc Tấn. Nhân dân Lộc Ninh đồng loạt đứng lên tước súng phòng vệ dân sự, truy tìm, kêu gọi binh lính đối phương đầu hàng.
Đúng 17 giờ ngày 7-4-1972, huyện Lộc Ninh được hoàn toàn giải phóng.
Sau ngày giải phóng, Lộc Ninh trở thành Thủ phủ của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam, nơi đặt căn cứ của Bộ chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam và trụ sở làm việc của các phái đoàn quân sự 4 bên, là nơi tiếp khách Quốc tế theo tinh thần của Hiệp định Pari ký kết ngày 27-1-1973.
Và cũng chính tại nơi đây – Sân bay Quân sự Lộc Ninh đã diễn ra sự kiện xúc động đón khoảng 3.000 người con ưu tú của tổ quốc từ các nhà tù của chế độ cũ trở về
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)