Chính quyền TP Thượng Hải bắt đầu kế hoạch phong tỏa hai giai đoạn từ hôm 28-3 nhằm kiểm soát đợt bùng dịch tồi tệ nhất sau 2 năm, đồng thời nỗ lực duy trì sự tăng trưởng kinh tế. Giai đoạn 1 diễn ra từ ngày 28-3 đến 1-4, áp dụng cho khu vực phía Đông trong khi giai đoạn 2 sẽ diễn ra ở khu vực phía Tây của thành phố từ sáng 1-4 (giờ địa phương) đến ngày 5-4.
Chính quyền Thượng Hải hôm 27-3 cho biết các biện pháp phong tỏa gồm yêu cầu người dân không ra khỏi nhà, dừng các phương tiện công cộng và dịch vụ gọi xe.
TP Thượng Hải với 26 triệu dân là trung tâm tài chính và kinh doanh quốc tế của Trung Quốc, đồng thời là nơi có cảng container lớn nhất thế giới. Lý giải về đợt phong tỏa quy mô lớn nhất 2 năm qua, bà Wu Fan, thành viên của nhóm chuyên gia về Covid-19 của Thượng Hải, cho biết cuộc xét nghiệm hàng loạt gần đây đã phát hiện số ca nhiễm cao đột biến trên khắp thành phố, buộc chính quyền phải phản ứng mạnh mẽ hơn.
Theo Reuters, TP Thượng Hải ghi nhận 50 ca mắc có triệu chứng và 3.450 ca mắc Covid-19 không triệu chứng hôm 27-3, chiếm gần 70% tổng số ca mắc trên khắp Trung Quốc. Hôm 27-3, Trung Quốc ghi nhận 5.134 ca mắc không triệu chứng và 1.219 ca nhiễm có triệu chứng.
Cảnh sát mặc đồ bảo hộ đứng gác tại lối vào một đường hầm dẫn đến khu vực Phố Đông của TP Thượng Hải – Trung Quốc hôm 28-3 Ảnh: REUTERS
Ông Bruce Pang, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu chiến lược và vĩ mô tại Tổ chức Tài chính China Renaissance (Trung Quốc), cho rằng: “Việc áp dụng lệnh phong tỏa và xét nghiệm bắt buộc ở Thượng Hải – thành phố lớn nhất Trung Quốc, trung tâm giao thông trọng điểm và trung tâm tài chính – nhiều khả năng làm gián đoạn hoạt động thương mại”.
Theo ông Pang, Trung Quốc sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách “Không Covid-19” trong thời gian tới và đợt bùng dịch mới sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế khi người tiêu dùng Trung Quốc thận trọng hơn.
Sự xuất hiện của biến thể Omicron đã khiến cho việc kiểm soát các đợt bùng phát mới trở nên khó khăn hơn cũng như gây bất ổn cho kinh doanh. Chính quyền các địa phương ở Trung Quốc cho rằng làn sóng Covid-19 hiện nay là do sự lây lan của biến thể phụ BA.2 của Omicron.
Trung Quốc hiện mắc kẹt giữa chiến lược đóng cửa kiểm soát dịch trong khi vẫn duy trì mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang chậm lại, các biện pháp phòng dịch hà khắc còn bị xem là những thách thức đe dọa thị trường việc làm, tiêu dùng và chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trước đó, hôm 26-3, bà Wu Fan cho rằng Thượng Hải đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội của Trung Quốc và thậm chí tác động đến nền kinh tế toàn cầu. Theo chuyên gia này, nếu thành phố dừng hoạt động hoàn toàn, sẽ có rất nhiều tàu hàng quốc tế phải chờ đợi trên biển Hoa Đông, ảnh hưởng cả kinh tế Trung Quốc lẫn toàn cầu.
Công ty vận tải biển Woodlands Group có trụ sở tại Anh đã ghi nhận sự gián đoạn đáng kể đối với hoạt động vận chuyển hàng bằng xe tải, đặc biệt là từ các tỉnh lân cận, khi các xe tải đang trên đường đến cảng Thượng Hải buộc phải quay lại khiến hàng hóa dồn ứ.
Trước những diễn biến mới tại Ukraine và lệnh phong tỏa tại TP Thượng Hải, thị trường chứng khoán châu Á trong phiên giao dịch hôm 28-3 biến động trái chiều. Chỉ số Shanghai composite kết phiên tăng nhẹ 0,07% sau khi giảm điểm ở đầu phiên cùng ngày. Chỉ số CSI 300 của Trung Quốc (theo dõi biến động giá của 300 cổ phiếu lớn nhất niêm yết trên thị trường chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến) giảm khoảng 0,6% hôm 28-3 trong khi chỉ số Nikkei (Nhật Bản) cũng giảm 0,7% cuối phiên cùng ngày.
Giá dầu “lắc lư”
Thông báo phong tỏa Thượng Hải khiến giá dầu giảm xuống do lo ngại nhu cầu thấp đi, theo Reuters. Trong ngày 28-3, có lúc giá dầu Brent (Anh) giảm 4,35 USD, xuống còn 116,33 USD/thùng và giá dầu WTI (Mỹ) giảm 4,5 USD xuống còn 109,38 USD/thùng.
Tình hình phong tỏa tại Trung Quốc là một trong những yếu tố lớn tiếp tục làm bất ổn giá dầu, bên cạnh cuộc khủng hoảng Ukraine và các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Theo giới chuyên gia, việc bị trừng phạt khiến dầu Nga không bán được và phải hạ giá bán. “Chúng tôi nhận thấy từ đầu tháng 4 tới có khả năng dầu Nga bị tồn 3 triệu thùng/ngày và con số này sẽ còn tăng nếu lệnh trừng phạt leo thang” – Tổ chức Năng lượng quốc tế (IEA) thông báo.
Theo IEA, trước đây Nga xuất khẩu khoảng 5 triệu thùng dầu thô/ngày và hiện “dầu thô Ural của Nga đang được chào bán với giá giảm kỷ lục”. Việc Nga hạ giá bán lại dẫn đến việc tăng mua dầu Nga từ các nước nhập khẩu dầu lớn, như Trung Quốc và Ấn Độ, hệ quả tiếp sau là khiến giá dầu thô có thể tăng lên.
Ông Matt Smith, nhà phân tích tại công ty nghiên cứu dữ liệu đa quốc gia Kpler, cho kênh CNBC hay rằng bắt đầu từ tháng 3, 5 tàu dầu Nga (tương đương 6 triệu thùng dầu) đã được dỡ hàng ở Ấn Độ hoặc đang trên đường đến đây. “Con số bằng phân nửa toàn bộ lượng dầu mà Ấn Độ mua của Nga vào năm ngoái. Một sự tăng vọt đáng kể” – ông Smith nhấn mạnh.
Là nước mua dầu Nga nhiều nhất với trung bình 1,6 triệu thùng/ngày vào năm 2021 (theo IEA), Trung Quốc không nằm ngoài xu hướng trên.
Bà Ellen Wald, chủ tịch công ty tư vấn Transversal (Pháp), nhận định: “Trung Quốc sẽ tiếp tục nhập khẩu dầu Nga và sẽ tăng thêm nếu được trả bằng nhân dân tệ và được giảm giá. Trung Quốc thực sự thích nhập dầu giá rẻ bởi mức giá quanh 90 USD/thùng vẫn là quá cao với họ. Nếu có thể mua dầu Nga với giá giảm, thậm chí một số mức giá khuyến mãi thấp hơn giá tham khảo tới 30 USD, không có lý do gì mà Trung Quốc không mua”.
Hải Ngọc
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)