Theo báo cáo của Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, trong năm 2019, ĐBSCL đón trên 47 triệu lượt khách. Kế hoạch trong năm 2020, vùng sẽ đón trên 50 triệu lượt khách nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 kéo dài đến năm 2021, nên không đạt chỉ tiêu đề ra.
Tại TP Cần Thơ, trong năm 2021, lượng khách đến thành phố giảm 62%, khách lưu trú giảm 55%, tổng thu từ hoạt động du lịch giảm 56,6% so với cùng kỳ. “Sau thời gian dài ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, việc phục hồi, phát triển du lịch là nhiệm vụ quan trọng. Với tinh thần biến thách thức thành cơ hội, các ngành, địa phương cần triển khai thực hiện ngay các giải pháp linh hoạt, thích ứng an toàn, hiệu quả, sớm phục hồi và phát triển du lịch trong trạng thái bình thường mới” – ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ, nhấn mạnh.
Du khách thích thú khi trải nghiệm tại điểm du lịch cộng đồng cồn Chim (Trà Vinh)
Bà Nguyễn Thị Ngọc Dung, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Bến Tre, cho biết Bến Tre cũng sớm liên kết với TP HCM và các doanh nghiệp để làm tour và chương trình phục hồi du lịch. Tỉnh đã khởi động hoạt động du lịch từ ngày 15-11-2021, mặc dù thời điểm này có chưa tới 20 đơn vị đăng ký. Nhưng sau đợt phát động đó đã thu hút được nhiều doanh nghiệp và liên kết với nhiều hãng lữ hành lớn, qua đó giới thiệu được Bến Tre là điểm đến an toàn, thân thiện, chất lượng.
Còn theo bà Quảng Xuân Lụa, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang, vào tháng 10-2021, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc sử dụng “hộ chiếu vắc-xin” và kế hoạch phục hồi, thu hút khách du lịch nội địa. Nhờ vậy, 2 tháng cuối năm 2021, Kiên Giang đón hơn 770.000 lượt khách, tổng doanh thu đạt hơn 700 tỉ đồng.
Tại hội nghị, lãnh đạo 13 sở VH-TT-DL đã ký kết thực hiện liên kết, hợp tác phục hồi và phát triển du lịch với nhiều nội dung. Trong đó có liên kết, hợp tác trong lĩnh vực thông tin về tình hình phát triển du lịch; các tỉnh, thành trong vùng sẽ lựa chọn sản phẩm du lịch đặc thù giới thiệu nhằm đưa vào chương trình hợp tác; phối hợp thực hiện các hoạt động xúc tiến điểm đến với các thị trường mục tiêu đã được lựa chọn; thường xuyên liên kết, hợp tác quảng bá, xúc tiến tại các sự kiện trong nước và quốc tế; phát triển nguồn nhân lực du lịch…
Ông Trần Việt Phường, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, đề nghị các địa phương cần chú trọng phát triển sản phẩm du lịch mới và làm mới các sản phẩm đã có phù hợp với nhu cầu của khách. Đồng thời, phát triển sản phẩm du lịch theo chủ đề, trên cơ sở tiềm năng và thế mạnh của từng địa phương tạo sự khác biệt, từ đó hình thành mạng lưới sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú để hỗ trợ cho nhau.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)