Theo Sci-News, một số ghi chép cổ đại đã giúp các nhà khoa học hiện đại lấp đầy bức chân dung ma mị về Betelgeuse – con “quái vật đỏ” dễ dàng nhìn thấy bằng mắt thường và không lâu nữa có thể khiến màn đêm Trái Đất cũng phải bùng sáng như ban ngày.
Betelgeuse là một siêu sao khổng lồ đỏ thuộc chòm sao Lạp Hộ, nằm cách chúng ta 650 năm ánh sáng, nhưng quá lớn và quá sáng nên bất cứ ai cũng có thể thấy nó.
Betelgeuse trong một vụ phun trào vật chất từ quang quyển khiến nó tạm mờ đi vài năm trước – Ảnh: ESO
Betelgeuse từ lâu đã là câu đố thú vị với các nhà thiên văn khi nó nhiều lần mờ đi rồi sáng rõ, cũng như cho thấy các dấu hiệu rõ ràng của một sự hấp hối. Cái chết của một ngôi sao sẽ là một siêu tân tinh rực sáng, mà trong trường hợp Betelgeuse, quá mạnh nên có thể khiến người Trái Đất thấy một cơn bão ánh sáng gần như ánh mặt Trời.
Thời điểm chính xác của vụ nổ vẫn còn là vấn đề gây nghi ngờ và tranh cãi.
Một nhóm nghiên cứu thiên văn quốc tế dẫn đầu bởi Đại học Jena đã tìm các vén thêm bức màn bí ẩn bao trùm Betelgeuse bằng cách tập hợp các ghi chép cổ đại, châu Âu, Địa Trung Hải, Tây Á, Đông Á, cùng các cổ vương quốc khắp thế giới.
Theo giáo sư Ralph Neuhäuser, tác giả chính của nghiên cứu, ghi chép đáng chú ý nhất đến từ sử gia kiêm nhà thiên văn học lừng danh thời Hán của Trung Quốc Tư Mã Thiên. Trong khi chép có tuổi đời hơn 2.100 năm, ông mô tả: “Màu trắng như Sirius, đỏ như Antares, vàng như Betelgeuse, xanh lam như Bellatrix”.
Một cách độc lập, học giả người La Mã Hyginus cũng mô tả khoảng 100 năm sau Tư Mã Thiên rằng Betelgeuse có màu sắc giống như màu vàng cam của Sao Thổ.
Các tác giả khác từ nhà bác học Hy Lạp – Ai Cập Claudius Ptolemaeus (khoảng 100 năm sau Công Nguyên) cung cấp nhiều dấu hiệu cho thấy Betelgeuse không được xếp vào nhóm các ngôi sao màu đỏ như Antares trong chòm sao Bọ Cạp và Aldebaran trong chòm Kim Ngưu.
Tuy nhiên một ghi chép từ nhà thiên văn học Đan Mạch Tycho Brahe vào thế kỷ 16 mô tả Betelgeuse thời kỳ đỏ đã đỏ hơn Antares.
Các ngôi sao khổng lồ đỏ như Betelgeuse, Antares đều là ngôi sao đã bước vào giai đoạn cuối của cuộc sống, tuy nhiên sự đổi màu khá gần đây, nhanh chóng đỏ hơn các các sao đỏ khác của Betelgeuse cho thấy ngôi sao này đã tiến hóa nhanh như thế nào.
Các kết quả có thể giúp các nhà khoa học định vị chính xác hơn về cái kết được trông chờ của Betelgeuse, một “quả bom vũ trụ” chỉ chờ nổ.
Nghiên cứu vừa được công bố trên Monthly Notices of the Royal Astronomical Society.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)