Cấu trúc dạng gò đặc biệt được Live Sciece gọi là “mắt bò mộng”, xuất hiện đầy bất ngờ trong bức ảnh radar thuộc dự án lập bản đồ kỹ thuật số 3D các vùng của Trái Đất. Nó hiện ra giữa sa mạc thuộc Đồng bằng Nullarbor, trải rộng 200.000 km2 ở miền Nam nước Úc.
“Bóng ma” bí ẩn mang tên “mắt bò mộng” hiện ra trong ảnh radar – Ảnh: ĐẠI HỌC CURTIN
Gò đá bí ẩn, không thể nhìn thấy bằng mắt thường này được nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi tiến sĩ Matej Lipar từ Trung tâm nghiên cứu Học viện Khoa học và nghệ thuật Slovenia (ZRC SAZU) ở Ljubljana – Slovenia và tiến sĩ Milo Barham từ Trường Khoa học Trái Đất thuộc Đại học Curtin ở Perth – Úc, xác định là một rạn san hô!
Đó là một cấu trúc tròn được bao bọc bởi 2 dải đá bán nguyệt tạo thành vòng không khép kín, kích thước lên đến 1,25 km và chỉ cao vài m.
Nói cách khác, sa mạc khô cằn này từng là một đại dương lâu đời, nơi mà rạn san hô “mắt bò mộng” khổng lồ được hình thành giữa các đồng cỏ biển nông, một thế giới hoàn toàn trái ngược so với thực tại cằn cỗi.
Đồng bằng khô cằn này lần đầu tiên xuất hiện khi đại dương rút đi 14 triệu năm trước. Không giống như các khu vực ẩm ướt khác, đồng bằng khô này giữ nguyên hiện trạng của thời cổ đại bởi không bị tác động bởi sông băng hay sông, mắc dù gió mạnh đã quét đi nhiều trầm tích.
Khu vực này cũng may mắn không thay đổi nhiều bởi quá trình phong hóa hay xói mòn, khiến nó trở thành bức tranh địa chất độc đáo mà các nhà khoa học hy vọng sẽ từ đó tìm ra thêm các cấu trúc phản ánh lịch sử cổ đại.
Ban đầu các nhà khoa học đã nghĩ họ tìm ra một hố va chạm thiên thạch, nhưng sự thật đã được hé lộ sau khi xem xét trực tiếp vật chất tại nơi xuất hiện “mắt bò mộng”.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)