Trang chủ Văn hóaVăn học Ráng chịu đau – Báo Người lao động

Ráng chịu đau – Báo Người lao động

bởi Linh

Trò đầu xanh, trò tóc bạc, trò cũ, trò mới, từng người cố gắng làm theo hướng dẫn của thầy. Nhiều động tác phải chịu đau, ráng chịu đau. Đau cơ, đau xương, đau khớp, đau gân, đau… Không chịu được đau thì khó có thể nhích dần từng chút từng chút, rướn lên, cố lên để vượt qua giới hạn chịu đau, giới hạn chịu đựng của mình.

Ráng chịu đau… có lẽ không “đặc quyền” của ai và cũng không “đặc quyền” của riêng ai. Ít nhiều ai cũng chịu đau. Ráng chịu đau. Cắn răng mà chịu đau. Đau tự mình. Mình làm mình đau. Đau từ ngoại lực, từ ngoại cảnh. Đau từ người. Đau từ cao xanh…

Có nhiều lý do khiến mình lại làm mình vấp ngã, đớn đau. Nôn nóng, lụp chụp chưa đi đã chạy. Có mắt mà không biết nhìn. Nhìn mà không thấy hay tầm nhìn không cao hơn trán, không xa hơn hàng rào sân nhà, chưa kể cái bóng chờn vờn của mộng mơ và ảo tưởng. Rồi cái phần tối tăm nơi bản ngã, nơi tâm hồn cũng có thể che khuất ánh sáng, che tối cả lối đi…

Và, có biết bao nguyên nhân đẩy con người vượt quá ranh giới chịu đựng: Chiến tranh, thiên tai, địch họa, bênh tật, nghịch cảnh mà vốn dĩ một người phàm, ai cũng bé nhỏ và mong manh.

Chịu đau, ráng chịu đau. Đau để được sống. Và, đau để được chết. Đau, ráng chịu đau để có thể vượt qua nỗi đau. Sự sống và cái chết. Nhiều giới hạn dù cắn răng chịu đau, nín thở chịu đau nhưng không phải giới hạn nào cũng có thể vượt qua.

Có những nỗi đau phải tự cắn vào tim gan mình.

Song hành với nỗi đau luôn là nỗ lực không ngừng của nhân cách.

Với người làm nghệ thuật nói chung và người sống chết với chữ nghĩa nói riêng, nỗi đau của chính mình và nỗi đau không chỉ của riêng mình, còn là thứ quà tặng, quà tặng vô giá. Ráng chịu đau để đối mặt với nỗi đau và có thể vượt qua nỗi đau còn là phẩm cách.

Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)

Có thể bạn quan tâm