Trước đây, tôi chỉ biết ông qua chuyên mục “Chuyện Đông chuyện Tây” trên Tạp chí Kiến thức Ngày nay. Về sau, chúng tôi cùng sinh hoạt trong Hội Ngôn ngữ học TP HCM nên mới có điều kiện chuyện trò. Mới đầu, tôi nghĩ bút danh An Chi là ông lấy từ câu nói của Khổng Tử trong sách Luận ngữ: “Lão giả an chi” (Người già sống yên phận, không để ý đến việc đời). Ông cười cho biết ai nghĩ thế cũng không mấy sai, nhưng với ông thì… An Chi đọc ngược là “y chang”, không có gì thay đổi. Quan trọng là sống sao cho ra người.
Sinh ra ông đã ngậm muỗng vàng muỗng bạc; nhập tịch làng Tây; học trường Tây, rồi trường Pháp – Hoa (Lycée Franco-Chinois) trong Chợ Lớn, rồi trở lại học trường Tây. Ông thuộc loại “thông minh vốn sẵn tính trời”. 17 tuổi, ông nghe, nói, đọc, viết 4 thứ tiếng: Việt, Pháp, Anh, Hoa. Chuẩn bị sang Pháp du học thì Hiệp định Genève ký kết, gia đình muốn ông có sự trải nghiệm cuộc sống trước khi đến xứ lạ quê người nên cho ông vượt tuyến ra miền Bắc.
Học giả An Chi và Vu Gia (trái) tại nhà riêng. (Ảnh do tác giả cung cấp)
Khi đi, cha ông có giao cho ông một phong thư dán kín và dặn đi dặn lại xem lá thư ấy như “lá bùa hộ mệnh”, nhưng bí lắm mới dùng, bởi “bùa” có linh như thế nào cũng là vật ngoài thân, không phải thực lực của chính mình. Ông nghĩ trui rèn bản lĩnh mà dựa vào người khác chống đỡ là thứ bỏ đi nên ông đã giữ nguyên lá thư ấy cho đến ngày đất nước thống nhất, gặp lại gia đình.
Nghe ông kể, tôi không thể không phục nghị lực cùng ý chí của ông. Nhờ vốn kiến thức của thời đi học, rồi tự học để hoàn thiện chính mình, nên dù không có bằng cấp gì nhưng đến nay ai nấy đều tôn kính gọi ông là học giả.
Mấy cuốn sách ông tặng tôi, tôi xem như sách công cụ không thể thiếu trong nghề viết lách của mình, luôn để trước mặt cùng với từ điển Anh – Việt, Pháp – Việt, Hán – Việt và Tiếng Việt.
Lúc đại dịch COVID-19, “ai ở đâu ở yên đó”, tôi viết một số truyện ngắn, trong đó có truyện lấy cuộc đời ông làm mẫu. Khi trang mạng vansudia.net đăng truyện này, tôi có báo cho ông biết. Chừng vài giờ sau, ông cám ơn và nói tôi làm sang cho ông chứ chẳng có gì phải “ý kiến ý cò”. Nếu có thì ông vẫn là ông, vẫn “y chang” như trước nay, nhưng ông thích đoạn cuối. Ông cho rằng tôi hiểu ông.
Trước giờ tiễn ông về lòng đất mẹ, tôi xin chép lại đoạn cuối của truyện ngắn này, xem như nén nhang vĩnh biệt một người thông thái mà tôi từng gặp, từng quen: “Mỗi thời mỗi khác, nhưng tôi cho rằng câu nói của Khổng Tử luôn đúng với mọi thời: “Học nhi thời tập chi, bất diệc duyệt hồ?” (Học thì phải luyện tập, chẳng vui lắm sao?). Đừng tự làm khó mình, cũng đừng tự dối lòng an ủi mình như câu thơ của Vũ Hoàng Chương: “Lũ chúng ta, đầu thai lầm thế kỷ”. Làm người phải có nghị lực, rèn nghị lực để một khi rơi vào hiểm cảnh không có thả tay mà ngược lại cố gắng giải quyết vấn đề, dù có thất bại cũng thỏa lòng. Lịch sử nhân loại cho thấy thiên phú cao mà ý chí kém thì khó thể đi đến mức tận cùng, thậm chí trải qua cuộc đời vô vị; ngược lại ắt sẽ có thành công nhất định. “Cần cù bù thông minh” không phải chỉ là lời động viên suông mà từ thực tế cuộc sống được ông cha ta tổng kết…”.
Vĩnh biệt anh An Chi. Tôi hy vọng dưới suối vàng, học giả An Chi mà chúng tôi quen biết vẫn “y chang” như thế!
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)