Theo Science Alert, nhóm nghiên cứu do Trường Đại học California ở Los Angeles (UCLA – Mỹ) và Đại học Oslo (Na Uy) đã phân tích dữ liệu từ radar xuyên đất của Perseverance, một trong 2 chiếc rover tự hành đang nghiên cứu Sao Hỏa của NASA.
Họ phát hiện ra một tín hiệu bất thường: Các lớp đá bên dưới Jezero Crater đang nghiêng một cách kỳ lạ.
Jezero Crater – “ốc đảo sinh vật ngoài hành tinh” cổ xưa mà robot NASA Perseverance đang khám phá – Ảnh: NASA
Jezero Crater vốn là một miệng hố va chạm khổng lồ tọa lạc ở vùng Syrtis Major Planum giữa Vùng đất thấp phía Bắc và Cao nguyên phía Nam của Sao Hỏa. Nó rộng tới 45 km và có thể là một hồ nước cổ đại, nơi từng ngập đầy sinh vật sống – theo các nghiên cứu trước đây tiết lộ.
Khu vực này được chọn làm điểm đổ bộ cho Perseverance, hạ cánh xuống hành tinh đỏ từ năm 2021. Cũng giống như chiếc rover cũ hơn và nổi tiếng hơn Curiosity, nhiệm vụ của robot NASA này là tìm kiếm các dấu hiệu cho thấy sự sống từng tồn tại thông qua nghiên cứu địa chất hành tinh và thu thập mẫu để gửi về Tráu Đất.
Khu vực Perseverance làm việc là nơi giới khoa học từng khám phá ra các mỏ đá và khoáng sét lớn lắng đọng ở rìa phía Tây, là nơi nước từng chảy vào miệng hố để tạo nên hồ cổ đại.
Trở lại với lớp đá nghiên, giáo sư về Trái Đất, hành tinh và không gian David Page từ UCLA cho hay có 2 khả năng.
Thứ nhất, đó có thể là do các lớp đá tạo thành bởi magma của một sự kiện phun trào cổ đại, nguội đi, đông đặc và lắng đọng.
Thứ hai, các lớp này có thể là trầm tích, một hiện tượng thường thấy trong môi trường nước trên Trái Đất. Trong trường hợp này, nó hé lộ một “tính năng Trái Đất”, đó là dạng đá xếp chồng chất bên sườn núi như những bậc thang khổng lồ hai bên đường cao tốc khi bạn lái xe qua.
Điều này một lần nữa cho thấy Jezero Crater chứa nhiều đặc điểm tương đồng với thế giới Trái Đất, những cảnh quan được tạo ra bởi thứ địa hình hỗn hợp, có tính biến động cao, có nước và có khả năng là những kho báu sự sống cổ đại.
Phát hiện trên cũng cho thấy các mẫu vật từ khu vực này sẽ cung cấp một bức tranh rõ ràng về cách thức và thời điểm Sao Hỏa có nước chảy trên bề mặt – trong bao lâu và có gián đoạn hay không.
Nó cũng sẽ chỉ ra cách thức và thời điểm Sao Hỏa chuyển sang môi trường cực kỳ lạnh và khô ngày nay, cũng như đưa đến câu trả lời cuối cùng rằng có khả năng nào hành tinh này từng ngập đầy sự sống như Trái Đất hay không. Hiện Perseverance đã thu thập các mẫu vật cần thiết và chúng sẽ sớm được đưa về Trái Đất.
Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học Science Advances.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)