Tác giả Nguyễn Chiến Thắng (bí danh Sao Vàng) – nguyên Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Long – bằng tất cả lòng yêu quý, kính phục và mong muốn bày tỏ lòng biết ơn với người anh, người đồng hương, đã chắt lọc những điểm sáng độc đáo về cuộc đời, tài năng, phẩm cách mà ông xem như chất ngọc quý để phác họa chân dung và sự nghiệp của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
“Chất ngọc Võ Văn Kiệt”
“Chất ngọc Võ Văn Kiệt” có các phần đề mục với những tiêu đề ngắn gọn, dễ nhớ, độ dày vừa phải dễ dàng tiếp cận với đông đảo độc giả. Nội dung cô đọng trong từng mục như: “Tổ ấm”, “Tuổi trẻ”, “Từ biểu tình rầm rộ đến khởi nghĩa Nam Kỳ”, “Mặt trận không khói súng”, “Người nhạc trưởng mẫn cảm với cái mới”, “Rạng ngọc lưu danh”… nêu những nét chấm phá đặc sắc cho việc tham khảo, tìm hiểu về cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông – người được vinh danh là vị Thủ tướng trọn đời vì nước, vì dân.
Hai tập sách: “Chất ngọc Võ Văn Kiệt” và “Võ Văn Kiệt – người thắp lửa” nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. (Ảnh do NXB Trẻ TP HCM cung cấp)
Phần phụ lục của tập sách cũng cung cấp nhiều thông tin hay về: “Tiểu sử đồng chí Võ Văn Kiệt”, “Cả nước nói về đồng chí Võ Văn Kiệt”, “Thế giới nói về ông Võ Văn Kiệt”, “Những phát biểu ấn tượng của đồng chí Võ Văn Kiệt”.
Tác phẩm đề cao tinh thần “nói có sách, mách có chứng”. “Nói có sách” là những chương trình, kế hoạch, văn bản, chỉ thị, nghị định, quyết định, tổng kết đánh giá mà cố Thủ tướng đã thực hiện. “Mách có chứng” là đánh giá của các nhà khoa học, nhà chính trị, giới chuyên môn được trong và ngoài nước công nhận.
Khi viết lời tựa cho tác phẩm, ông Nguyễn Chiến Thắng khiêm tốn bày tỏ: “Chất ngọc Võ Văn Kiệt luôn ánh lên nhiều điểm sáng nhưng quyển sách này chỉ nêu được phần nào sự nghiệp của đồng chí. Từ tâm niệm “Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, hưởng thụ thành quả của công cuộc đổi mới, tác giả biết ơn một trong những người tiên phong cho sự nghiệp đưa đất nước thoát khỏi khủng khoảng kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống nhân dân”.
“Võ Văn Kiệt – người thắp lửa”
“Võ Văn Kiệt – người thắp lửa” là tập hồi ký chung của những người đã từng có dịp tiếp xúc và làm việc cùng ông. Đó là những tình cảm yêu quý, là sự kính trọng và nể phục về người lãnh đạo tài ba, quả cảm đã dẫn dắt đất nước Việt Nam qua từng nút thắt mở của thời đại. Hình ảnh về ông Sáu Dân còn được khắc họa thú vị dưới vai trò của một người chồng, người cha, người ông đôn hậu, tình cảm.
Đây cũng là cuốn sách đầu tiên có phần biên niên sự kiện ngắn gọn về cuộc đời và sự nghiệp của cố Thủ tướng, từ khi bắt đầu hoạt động cách mạng cho đến ngày đi xa, giúp người đọc có cái nhìn xuyên suốt về cuộc đời và sự nghiệp của ông. Trong đó có riêng một phần nói về vai trò của ông đối với phong trào học sinh – sinh viên của thành phố trong quá trình xây dựng đất nước.
Sách “Võ Văn Kiệt người thắp lửa” dày hơn 500 trang, được chia thành 4 phần công phu: Phần 1 – “Hành trình Võ Văn Kiệt”: Nói về cuộc đời và sự nghiệp của ông với nhiều hình ảnh và tư liệu minh họa quá trình hoạt động cách mạng của cố Thủ tướng, lồng trong bối cảnh chung của đất nước qua từng thời kỳ.
Phần 2 – “Năng lượng Võ Văn Kiệt”: Là những bài viết về cải cách đúng đắn của ông trong công cuộc xây dựng đất nước. Phần 3 – “Một người của nhiều người”: Những câu chuyện gần gũi và xúc động về cố Thủ tướng. Phần 4 – “Những trang viết Võ Văn Kiệt”: Những bài báo ông viết về đại đoàn kết dân tộc, xây dựng Đảng, chống đói nghèo…
Tập sách dù đã được xuất bản lần đầu cách đây nhiều năm nhưng với tình cảm mà đông đảo độc giả cả nước dành cho cố Thủ tướng, sách được tái bản nhiều lần và luôn được đánh giá là một trong những cuốn sách đặc biệt viết về ông Sáu Dân – người lãnh đạo được nhân dân tin yêu và tưởng nhớ.
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt được ví như người “thuyền trưởng” đã vững tay chèo đưa Việt Nam ra khỏi vũng lầy của cơ chế bao cấp, là một trong những người đi tiên phong trong công cuộc đổi mới. Trên cương vị của mình, ông đã nghiên cứu, tìm tòi và đưa ra nhiều chính sách đột phá, từ đó chuyển dần nền kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường, đưa đời sống kinh tế đất nước dần vào thế ổn định.
Ông ghi dấu ấn lịch sử bằng tầm nhìn chiến lược với nhiều công trình như: đường dây truyền tải điện 500 KV Bắc – Nam; ký quyết định xây dựng KCN Dung Quất; định hướng dài hạn và kế hoạch 5 năm phát triển ĐBSCL; đưa ra ý tưởng xây dựng đường Hồ Chí Minh; quyết định xây dựng Làng văn hóa, du lịch các dân tộc Việt Nam tại Đồng Mô (TP Hà Nội) và tại TP HCM.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)