Thế nhưng, chỉ sau 3 ngày ra mắt, MV biến mất khỏi YouTube mà không có bất kỳ lời thông báo, giải thích nào.
Khi vào trang cá nhân của Chi Pu để click vào đường link dẫn đến MV “Black Hickey”, khán giả cũng không thể xem và nhận được thông báo “Đây là video riêng tư”. Hiện Chi Pu vẫn chưa lên tiếng phản hồi vấn đề này, càng khiến công chúng tò mò về lý do MV bị ẩn chỉ sau vài ngày lên sóng.
Thật ra là ngay khi ra mắt, MV của Chi Pu đã vướng phải những tranh cãi. Những cảnh quay Chi Pu cùng bạn diễn thực hiện nhiều cử chỉ vuốt ve, đụng chạm nhạy cảm trong bối cảnh chốn công sở khiến người xem “đỏ mặt”.
Nhiều ý kiến cho rằng MV có nhiều phân cảnh quá “bạo” với những hành động thân mật đến mức nhạy cảm mà không được giới hạn độ tuổi trong khi Chi Pu có đông đảo khán giả trẻ vị thành niên, nên việc không dán nhãn giới hạn độ tuổi cho MV là không phù hợp. Thậm chí, MV “Black Hickey” còn bị chỉ trích, cho rằng nữ ca sĩ cổ xúy hành vi tình dục chốn công sở.
Hình ảnh trong MV “Black Hickey” của Chi Pu
Trước đó, MV tái xuất của Sơn Tùng M-TP “There’s no one at all” cũng bị biến mất khỏi nền tảng YouTube Việt Nam và cả thế giới. Người dùng YouTube truy cập vào đường dẫn MV đều nhận được thông báo video không hoạt động từ nền tảng này. Trước khi bị gỡ khỏi nền tảng, video “There’s no one at all” đạt khoảng 9,7 triệu lượt xem và hơn 600.000 lượt thích. Thanh tra Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch và các cơ quan liên quan đã làm việc với đại diện Công ty M-TP Entertainment, vì MV “There’s no one at all” trên YouTube có hình ảnh, động tác, phương tiện biểu đạt, hình thức biểu diễn tác động tiêu cực đến đạo đức, sức khỏe cộng đồng và tâm lý xã hội.
Các MV ca nhạc của các ca sĩ là những sản phẩm âm nhạc được họ đầu tư lớn, chăm chút, thường được phát hành trên YouTube vì độ phổ biến của website này. YouTube có luật lệ riêng, nếu các MV ca nhạc không tuân thủ thì đều bị xóa khỏi YouTube. Một MV bị xóa khỏi YouTube gồm: vi phạm nguyên tắc bản quyền và nguyên tắc cộng đồng.
Về nguyên tắc bản quyền, đó là câu chuyện dài và không mới (nôm na là sự vay mượn, đạo nhái) với nhiều bài học kinh nghiệm ở showbiz Việt. Trong khi đó, nguyên tắc cộng đồng là điều mà nhiều MV nhạc Việt đang “mắc phải” hiện nay. Đó thường là những MV có những hình ảnh cổ xúy bạo lực, khiêu dâm, lời lẽ dung tục.
Ở thời đại 4.0, một tư duy thoáng hơn, cởi mở hơn trong sáng tạo là điều dễ hiểu. Học hỏi xu hướng phát triển của thế giới là cần thiết nhưng quan trọng hơn là phải lựa chọn những điều phù hợp, nhất về chuẩn mực đạo đức. Sáng tạo nào cũng cần có giới hạn – có lẽ là điều không thể thiếu của các ca sĩ trẻ khi bắt tay làm MV.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)