“Còn quá sớm để biết Nga có đang thay đổi chiến lược hay không”, đó là bình luận của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trước những tuyên bố mới nhất từ Bộ Quốc phòng Nga.
Trong cuộc họp báo ngày 25-3, Bộ Quốc phòng Nga khẳng định giai đoạn đầu tiên của chiến dịch quân sự mà nước này tiến hành ở Ukraine từ ngày 24-2 đã hoàn tất và sắp tới sẽ tập trung vào vùng Donbas ở miền Đông Ukraine. “Sức chiến đấu của lực lượng vũ trang Ukraine đã bị suy giảm đáng kể nên chúng tôi có thể tập trung vào mục đích chính là giải phóng Donbas” – ông Sergei Rudskoi, Cục trưởng Tác chiến – Bộ Tổng Tham mưu quân đội Nga, tuyên bố.
Donbas là nơi diễn ra giao tranh giữa lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn và quân đội Ukraine từ năm 2014, với điểm nóng là hai Cộng hòa tự xưng Luhansk và Donetsk. Theo tướng Rudskoi, Nga đã “giải phóng” 93% Luhansk và 54% Donetsk.
Một em bé Ukraine ngủ trên sàn sảnh bán vé ở nhà ga xe lửa Przemysl Glowny trên đường theo gia đình chạy sang Ba Lan ngày 26-3 Ảnh: REUTERS
Theo giới phân tích quân sự phương Tây, dường như Nga đang thu hẹp các mục tiêu muốn đạt được ở Ukraine. Khi mới bắt đầu chiến dịch, Moscow khẳng định muốn “phi quân sự hóa, phi phát xít hóa” nước láng giềng. Hơn nữa, nếu chỉ “giải phóng” Donbas thì ngay từ đầu, Moscow không cần đưa quân vào Ukraine từ cả 3 hướng Bắc, Đông và Nam.
Về phần mình, ông Rudskoi nhấn mạnh “chiến dịch quân sự” của Nga bao gồm 2 giai đoạn: Ban đầu chỉ giới hạn ở Donbas nhưng sau đó mở rộng ra hàng loạt thành phố với mục đích tấn công cơ sở hạ tầng quân sự, khí tài, binh lính nhằm ngăn chặn Ukraine củng cố lực lượng. Ông Rudskoi cũng tuyên bố Nga đã bao vây thành công thủ đô Kiev của Ukraine cùng các thành phố Kharkiv, Chernihiv và kiểm soát hoàn toàn Kherson, Zaporizhzhia – theo đài RT.
Dường như để phản ứng ông Rudskoi, trong bài phát biểu tối 25-3 (giờ địa phương), Tổng thống Volodymyr Zelensky tuyên bố sự kháng cự của quân đội Ukraine đã “giáng cho Nga những đòn mạnh mẽ”.
Reuters dẫn đánh giá của giới quân sự phương Tây cho thấy Nga chưa kiểm soát được thành phố lớn nào của Ukraine dù giao tranh đã bước sang tháng thứ 2. Ngay cả Mariupol, thành phố thuộc vùng Donbas đang bị Nga oanh kích nặng nề, vẫn nằm trong tay lực lượng Ukraine.
Trong khi đó, một quan chức quốc phòng cấp cao Mỹ cho đài ABC hay rằng lực lượng Nga quanh Kiev “đang rơi vào thế phòng thủ”. “Không kích vẫn còn nhưng Nga không còn tấn công trên bộ vào Kiev” – quan chức này nói hôm 25-3.
Tương tự, tình báo Anh nhận định 2 dòng xe bọc thép Nga đang “chôn bánh” ở phía Tây Bắc và Đông Kiev. Thậm chí, quân đội Ukraine đang đẩy lui quân Nga ở phía Đông, “tái chiếm nhiều thị trấn và lập được hàng rào phòng thủ cách Kiev 35 km” cũng như cố bao vây quân Nga ở các vùng ngoại ô Irpin, Bucha, Hostomel ở phía Tây Bắc.
Cùng ngày 25-3, Phó Tham mưu trưởng Lục quân Ukraine, ông Oleksandr Gruzevich, tuyên bố Nga cần gấp 3-5 lần lực lượng hiện nay mới chiếm được Kiev, đồng thời Moscow cũng không tạo được hành lang trên bộ dọc theo bờ biển phía Nam để nối bán đảo Crimea với vùng Donbas như ý định.
Chưa hết, ABC dẫn lời quan chức quốc phòng Mỹ nhận định Ukraine có thể giành lại được Kherson – thành phố cảng quan trọng nằm ở miền Nam và ngay phía trên Crimea. “Nếu quân đội Ukraine chiếm lại Kherson, lực lượng Nga đóng quanh TP Mykolaiv gần đó sẽ gặp nguy hiểm và kế hoạch tấn công đường bộ vào TP Odesa ven biển cũng bị triệt tiêu” – quan chức này giải thích. Theo ông Ben Hodges, cựu Tư lệnh Lục quân Mỹ ở châu Âu, nếu được cung cấp thêm rốc-kết tầm xa, pháo và máy bay không người lái cùng tin tức tình báo từ phương Tây, lực lượng Ukraine có thể chuyển từ thế phòng thủ sang tấn công.
Trước tình hình đó, AP cho hay Tổng thống Volodymyr Zelensky tiếp tục kêu gọi Nga đàm phán nhưng khẳng định sẽ không từ bỏ bất kỳ tấc đất nào của Ukraine để đổi lấy hòa bình. Xác nhận các cuộc đàm phán với Nga “rất khó khăn”, Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba hôm 25-3 nhấn mạnh: “Phái đoàn Ukraine giữ vững lập trường, đó là lệnh ngừng bắn, các bảo đảm về an ninh và toàn vẹn lãnh thổ Ukraine”.
Khó lấp chỗ trống của khí đốt Nga
Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ hôm 25-3 thông báo đạt thỏa thuận cung cấp ít nhất 15 tỉ m3 khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ sang châu Âu trong năm nay nhằm giúp lục địa già giảm phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng từ Nga. Về dài hạn, Mỹ sẽ bảo đảm nguồn cung ổn định 50 tỉ m3 khí đốt/năm cho EU đến năm 2030. Theo Reuters, EU đặt mục tiêu cắt giảm 2/3 lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga trong năm nay và chấm dứt mọi hoạt động nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch của Nga vào năm 2027. Riêng Đức công bố kế hoạch giảm 1/2 sản lượng dầu nhập khẩu từ Nga từ tháng 6-2022 và dừng phụ thuộc khí đốt Nga vào giữa năm 2024.
Không kỳ vọng cao về thỏa thuận này, các nhà phân tích tại Tập đoàn ING (Hà Lan) cho rằng ngay cả khi Mỹ đạt được mức 15 tỉ m3 khí đốt cho châu Âu trong năm 2022 thì hợp đồng cung cấp nói trên cũng không thể thay thế lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga – nước cung cấp đến 155 tỉ m3 khí đốt cho EU trong năm 2021. Trong khi đó, lượng LNG xuất khẩu của Mỹ sang châu Âu đạt khoảng 22 tỉ m3 vào năm ngoái.
Giới phân tích nhận định các nhà máy LNG của Mỹ đang hoạt động hết công suất nên bất kỳ lượng khí đốt bổ sung nào được cung cấp sang châu Âu đều lấy từ nguồn xuất khẩu vốn dành cho những nơi khác. Ông Alex Froley, nhà phân tích tại Công ty Cung cấp thông tin thị trường ICIS, nhận định: “Thông thường, phải mất 2-3 năm để xây dựng một cơ sở sản xuất mới, vì vậy thỏa thuận Mỹ – EU có thể hướng đến việc định hướng lại nguồn cung hiện có hơn là tăng công suất”.
Trong khi đó, tờ Wall Street Journal ngày 25-3 dẫn lời quan chức Mỹ cho biết chính quyền Tổng thống Joe Biden đang chuẩn bị áp đặt các biện pháp trừng phạt lên những công ty Nga bị cho là cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho quân đội và cơ quan tình báo của Nga. Giới chức Mỹ tiết lộ Bộ Tài chính nước này có thể công bố những biện pháp trên sớm nhất là vào tuần sau.
Xuân Mai
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)