* Phóng viên: Mùa tuyển sinh ĐH 2022 đã đi đến giai đoạn cuối cùng. Nhìn lại công tác tuyển sinh năm nay, Thứ trưởng có thể nhận xét điều gì?
– Thứ trưởng Bộ GD-ĐT HOÀNG MINH SƠN: Nhìn một cách tổng thể, công tác tuyển sinh năm nay có những điều chỉnh tích cực, đặc biệt là sự chuyển đổi mạnh về mặt công nghệ. Việc tổ chức đăng ký và xử lý nguyện vọng xét tuyển trực tuyến không chỉ bảo đảm quyền lợi cho thí sinh, giảm lượng thí sinh ảo mà còn góp phần thúc đẩy chuyển đổi số, trong đó minh bạch hóa việc tuyển sinh của cả hệ thống.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT HOÀNG MINH SƠN:
Đến nay, gần 80% thí sinh đã nhập học. Điều này cho thấy năm nay, tỉ lệ ảo đã giảm mạnh so với nhiều năm trước.
* Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng hệ thống xét tuyển của Bộ GD-ĐT phức tạp, dẫn đến các trường ĐH thiếu đi sự tự chủ; còn không ít lỗi, gây lo lắng cho nhiều thí sinh. Thứ trưởng phản hồi gì về ý kiến này?
– Luật Giáo dục ĐH và Nghị định 99/2019/NĐ-CP đã quy định rõ các cơ sở giáo dục ĐH được quyền ban hành, tổ chức thực hiện các quy định nội bộ về hoạt động tuyển sinh phù hợp quy định của pháp luật; xác định, công bố công khai phương thức, chỉ tiêu tuyển sinh theo quy định của Bộ GD-ĐT. Các quy định về tuyển sinh năm nay có thể sẽ khiến nhiều trường bớt tự do hơn, chủ động hơn trong một số trường hợp nhưng quyền tự chủ hoàn toàn được tôn trọng.
Về những vấn đề kỹ thuật của hệ thống, đúng là trong quá trình vận hành có những trục trặc nhất định – như nền tảng thanh toán trực tuyến ban đầu bị nghẽn, một số kênh thanh toán có lỗi – nhưng sau khi kéo dài thời gian và phân luồng thanh toán thì đã chạy trơn tru.
Tuy nhiên, vấn đề chủ yếu mà thí sinh và dư luận quan tâm chính là nhiều em đủ điều kiện trúng tuyển nhưng lại không có trong danh sách trúng tuyển. Nguyên nhân nằm ở việc các trường có quá nhiều phương thức xét tuyển khác nhau đưa vào hệ thống, khiến quá trình đăng ký xét tuyển có sự nhầm lẫn trong việc lựa chọn và sắp xếp nguyện vọng, trong khi hệ thống chưa được bổ sung tính năng ngăn chặn hết được các lỗi này.
Trong quá trình tổ chức đăng ký, chạy xét tuyển, lọc ảo và sau khi công bố kết quả, Bộ GD-ĐT đều đã hướng dẫn để tổ kỹ thuật và các trường ĐH phối hợp sửa các lỗi nhầm lẫn, sai sót nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng của thí sinh. Đến nay, hầu hết các trường hợp sai sót đã được giải quyết, số còn lại đang được các trường tiếp tục rà soát và xử lý.
* Có ý kiến cho rằng hệ thống xét tuyển của Bộ GD-ĐT phức tạp, ngay cả việc xác nhận nhập học trên hệ thống chung là không cần thiết?
– Quyết định chọn trường, chọn ngành là việc hệ trọng của mỗi thí sinh. Vì vậy, hệ thống phải xây dựng quy trình chặt chẽ gồm nhiều bước để bảo đảm thí sinh phải cân nhắc kỹ, xác nhận và chịu trách nhiệm về quyết định của mình; đồng thời phải bảo đảm việc quản lý nghiệp vụ chặt chẽ, không có kẽ hở cho sự lạm dụng.
Thí sinh tham gia kỳ thi kiểm tra tư duy của Trường ĐH Bách khoa – ĐHQG Hà Nội Ảnh: HOÀNG LAN ANH
Bộ GD-ĐT xây dựng và nâng cấp hệ thống phần mềm là để hỗ trợ các trường, hỗ trợ thí sinh. Vì vậy, các quy trình đưa ra đã có sự cân nhắc kỹ chứ không phức tạp hơn mức cần thiết. Tuy nhiên, có thể những giao diện sử dụng của phần mềm chưa thân thiện, chưa có khả năng ngăn chặn hết lỗi của người dùng. Trong khi đó, nhiều thí sinh chưa có kỹ năng, kinh nghiệm thao tác sử dụng phần mềm. Bộ GD-ĐT sẽ rà soát, đánh giá lại toàn bộ quy trình và giao diện phần mềm để tối ưu hóa cho các năm tiếp theo.
* Điểm trúng tuyển ĐH qua kết quả thi tốt nghiệp THPT ở một số ngành năm nay tiếp tục “đụng trần”, gây hoang mang cho dư luận. Điểm chuẩn trúng tuyển cao có đồng nghĩa với chất lượng thí sinh năm nay cao hơn năm trước không, thưa thứ trưởng?
– Điểm chuẩn năm nay có sự phân hóa mạnh. Thậm chí, điểm chuẩn có ngành cao đến mức vượt trên cả điểm thủ khoa. Nhưng điều đó không thể đưa đến kết luận chất lượng thí sinh năm nay cao hơn năm trước.
Tình trạng điểm chuẩn cao ở mức “đụng trần” đã được Bộ GD-ĐT phân tích và cảnh báo từ trước. Việc các trường đưa ra nhiều phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển cho một ngành và phân bổ chỉ tiêu chưa hợp lý giữa các phương thức, tổ hợp xét tuyển là một nguyên nhân dẫn tới tình trạng này. Lý do quan trọng khác là bất cập ở chính sách cộng điểm ưu tiên. Bộ GD-ĐT đã đưa vào quy chế việc điều chỉnh mức cộng điểm ưu tiên, áp dụng từ năm 2023.
* Việc các trường sử dụng quá nhiều phương thức tuyển sinh, tổ hợp dẫn đến những sai sót, thậm chí cả bất bình đẳng khi điểm chuẩn xét tuyển từ kết quả thi tốt nghiệp THPT bị đẩy đến kịch trần. Quan điểm của ông về việc này như thế nào?
– Đúng là với một ngành mà cơ sở đào tạo đưa ra nhiều phương thức xét tuyển sẽ khó bảo đảm sự công bằng cho thí sinh, đặc biệt khi các trường phân bổ chỉ tiêu ngay từ đầu. Bộ GD-ĐT cảnh báo về nguy cơ này và yêu cầu giữa các phương thức, hình thức xét tuyển phải bảo đảm sự công bằng.
Bộ GD-ĐT cũng đã khuyến cáo các trường nên có phương pháp quy đổi điểm đánh giá của các phương thức, tổ hợp xét tuyển về một thang đo chung và xét tuyển chung. Trường hợp cơ sở đào tạo lựa chọn phân bổ chỉ tiêu và xét tuyển độc lập theo từng phương thức, tổ hợp thì phải giải trình được căn cứ phân bổ chỉ tiêu cũng như điều kiện trúng tuyển của các phương thức, bảo đảm nguyên tắc công bằng.
Kết thúc kỳ tuyển sinh năm nay, Bộ GD-ĐT sẽ phân tích toàn bộ dữ liệu để đưa ra khuyến cáo chung cho toàn hệ thống. Bộ GD-ĐT cũng sẽ có đề nghị riêng với một số cơ sở đào tạo chưa thực hiện tốt yêu cầu chung và nguyên tắc cơ bản đã quy định trong quy chế tuyển sinh.
* Xu hướng các trường ĐH tuyển sinh bằng kỳ thi riêng, không còn phụ thuộc 100% vào kỳ thi tốt nghiệp THPT đang ngày càng được mở rộng. Ông có cho rằng đó là một tín hiệu tích cực?
– Tôi cho rằng kết quả thi tốt nghiệp cùng với những thành tích học tập ở bậc THPT sẽ tiếp tục là căn cứ quan trọng để đa số trường ĐH lựa chọn trong tuyển sinh. Hiện nay, một số trường đã xét tuyển dựa trên những kỳ thi đánh giá năng lực, xét tuyển kết hợp phỏng vấn…
Bộ GD-ĐT khuyến khích các trường ĐH đẩy mạnh hợp tác để tổ chức kỳ thi chung theo nhóm trường. Sau đó, tiến tới hình thành một số trung tâm khảo thí chuyên nghiệp thuộc liên minh nhiều trường ĐH, đáp ứng yêu cầu tuyển sinh từ năm 2025 khi học sinh đã hoàn thành bậc THPT theo chương trình mới.
GS-TSKH NGUYỄN ĐÌNH ĐỨC, Trưởng Ban Đào tạo – ĐHQG Hà Nội:
Cần cải tiến công tác tuyển sinh
Năm 2022 là năm đầu tiên Bộ GD-ĐT thực hiện xét tuyển chung tất cả các phương thức xét tuyển trên cùng một hệ thống. Điều này tạo sự công khai, minh bạch và cơ hội bình đẳng cho thí sinh. Tuy nhiên, hệ thống, quy trình cũng bộc lộ những trục trặc trong quá trình đăng ký, nộp lệ phí và xét tuyển.
Tôi kiến nghị Bộ GD-ĐT nghiên cứu, cải tiến thỏa đáng hơn nhằm hỗ trợ tốt nhất để các trường có thể tự chủ cao nhất trong công tác tuyển sinh.
PGS-TS PHẠM XUÂN ANH, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Xây dựng Hà Nội:
Các trường nên có phương án tuyển sinh riêng
Mỗi kỳ thi đều có những tiêu chí riêng. Kỳ thi tốt nghiệp THPT với mục tiêu chính là xét tốt nghiệp, đánh giá học sinh sau 12 năm học thực sự không phải là phương án tối ưu để các trường ĐH sử dụng kết quả khi xét tuyển.
Do đó, sử dụng một phương án mà không phải là thiết kế hoàn toàn cho việc này thì kết quả dẫn đến điểm chuẩn của một số ngành cao chót vót cũng không phải là lạ. Về lâu dài, việc xét tuyển ĐH của các trường sẽ dần có những phương án riêng, không phải sử dụng kết quả này nữa.
TS LÊ ĐÔNG PHƯƠNG, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giáo dục ĐH – Viện Khoa học Giáo dục:
Giảm bớt phương thức xét tuyển
Vấn đề lớn nhất của mùa tuyển sinh năm nay là kỹ thuật. Trên hệ thống có 20 phương thức xét tuyển nên việc cân đối, tính toán giữa các nguyện vọng của các phương thức khác nhau và nhu cầu đăng ký nhập học của thí sinh rất nhiều.
Với hơn 3 triệu nguyện vọng, hơn 300 cơ sở đào tạo, hệ thống chạy chưa thật sự ổn. Vì vậy, theo tôi, trong những mùa tuyển sinh tới, cần điều chỉnh giảm phương thức xét tuyển.
Y.Anh – X.Hoa ghi
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)