Theo NPR, hàng loạt cuộc chạm trán kỳ quặc đã xảy ra dọc bờ biển của Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Pháp. Không có ai bị thương hoặc thiệt mạng nhưng các sinh vật hung dữ đã làm hư hại nhiều tàu thuyền, trong đó một thuyền buồm được cho là đã bị đánh chìm vào ngày 31-7.
Vụ tấn công gần đây nhất vừa xảy ra với chiếc thuyền buồm dài 11,2 m được điều khiển bởi 2 cha con ở ngoài khơi nước Pháp. Những con cá hung dữ vây quanh thuyền suốt 15 phút và sau cuộc tấn công, phần bánh lái gắn dưới thân tàu chỉ còn 1/4.
Cá voi sát thủ – Ảnh: WHALE UNDERWATER
Thủ phạm của các vụ tấn công là điều gây bất ngờ nhất: Cá voi sát thủ. Loài cá heo lớn nhất thế giới này tuy là mối ám ảnh với cả những “quái vật đại dương” như cá mập trắng khổng lồ, nhưng từ lâu được biết đến như bạn của con người, nhiều lần cứu tàu thuyền.
Chủ tịch và điều phối viên tại CIRCE – một nhóm nghiên cứu về bộ Cá heo của Tây Ban Nha – Renaud de Spephanis cho biết một nhóm cá voi sát thủ chịu trách nhiệm cho toàn bộ các vụ tấn công.
Tờ Live Science trích dẫn giải thích của nhóm chuyên gia này rằng cá voi sát thủ vốn là một động vật xã hội nên đôi khi có thể phát triển các hành vi “theo mốt” bất thường.
Lấy ví dụ vào năm 1987, những con cá voi sát thủ ở Puget Sound (eo biển ở Washington – Mỹ) bắt đầu đội trên đầu một “chiếc mũ” lạ bằng một con cá hồi chết, trông như một xu hướng thời trang.
Và cũng như mọi “trend” khác của con người, kiểu thời trang kỳ dị này nhanh chóng bị những con cá voi sát thủ quên lãng sau 6 tuần. Một số con “tái chế” xu hướng này vào mùa hè năm sau nhưng sau đó bỏ hẳn.
Một nghiên cứu khác công bố trên Biology Letters năm 2018 từng báo cáo về một nhóm cá heo khác với “trend” đi bộ bằng đuôi – động tác mà cá heo tự nâng mình lên khỏi mặt nước theo phương thẳng đứng rồi lướt bằng vây đuôi.
Xu hướng này bắt đầu khi một con cá heo được gắn thẻ, đã được dạy đi bộ bằng đuôi được thả trở lại cửa sông. Sau đó, những con cá heo hoang dã trong khu vực bắt chước. Mốt này kéo dài được 1 thập kỷ trước khi biến mất vào năm 2012.
Ông Jared Towers, Giám đốc của Bay Cetology, một tổ chức nghiên cứu ở British Columbia – Canada, nói với NPR rằng một nhóm cá voi sát thủ khác ở Thái Bình Dương gần đây đang có “mốt” chơi với những chiếc lồng bẫy cua người dân đặt ven biển.
Ông Renaud de Spephanis gợi ý với NPR rằng hành động phá bánh lái của những chiếc thuyền có thể cũng chỉ là một “trend” bất thường của nhóm cá voi sát thủ trong khu vực, có thể vì một số con thích cảm giác nghịch ngợm với làn nước được khuấy động bởi chân vịt. Khi chân vịt ngừng, chúng thất vọng và phá vỡ bánh lái.
Nếu đúng vậy, hành vi của những con cá heo này không khác những xu hướng nghịch phá tiêu cực theo mốt thỉnh thoảng xuất hiện ở các thanh thiếu niên loài người. Thường chúng sẽ tự biến mất theo một thời gian.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)