NSƯT Tâm Tâm cho biết cha cô – soạn giả Hoàng Ngọc Ẩn (tên thật Phạm Minh Ẩn, SN 1944) – đã trút hơi thở cuối cùng lúc 14 giờ 54 phút ngày 21-10 tại Bệnh viện Nhân dân 115, hưởng thọ 78 tuổi. Tang lễ soạn giả Hoàng Ngọc Ẩn được tổ chức tại Chùa Giác Nguyên, phường 1, quận 4, TP HCM.
“Ba tôi nhập viện điều trị bệnh tiểu đường biến chứng cách đây một tuần. Chứng bệnh này đã gây ra nhiều hệ lụy khiến sức khỏe ba tôi ngày càng cạn kiệt. Dù được sự tận tình cứu chữa của các y bác sĩ giỏi nhưng vì ba tôi tuổi cao nên đã không qua khỏi” – NSƯT Tâm Tâm đau buồn.
Soạn giả Hoàng Ngọc Ẩn và con gái – NSƯT Tâm Tâm
Soạn giả Hoàng Ngọc Ẩn còn mắc bệnh xơ gan năm 2002, đến năm 2011 bị thêm chứng bệnh tiểu đường. Đời sống vô cùng khó khăn khi ông bị bệnh, đoàn hát ngưng hoạt động thời gian qua. Ngoài sáng tác kịch bản cải lương, ông còn làm bầu gánh. Chương trình “Mai Vàng nhân ái” từng đến trao tặng ông tiền hỗ trợ để điều trị bệnh.
Từ năm 1996, soạn giả Hoàng Ngọc Ẩn tiếp nhận bảng hiệu Đoàn Cải lương Thanh Nga, hoạt động cho đến nay. Danh hài Bảo Quốc mỗi khi về nước đều đến thăm ông. Trong những ngày tổ chức Giỗ Tổ, ông cũng đã đến đoàn Thanh Nga để thắp hương,. Đây là chiếc nôi nghệ thuật từng đưa ông đến với nghề hát và được công chúng yêu mến.
Ông Bùi Thanh Liêm, Phó Tổng Biên Tập Báo Người Lao Động và đạo diễn Thanh Hiệp trao tặng tiền hỗ trợ từ chương trình “Mai Vàng nhân ái” cho soạn giả Hoàng Ngọc Ẩn (Ảnh: Tấn Thạnh)
Trước khi đến với nghề sáng tác, soạn giả Hoàng Ngọc Ẩn còn là diễn viên Đoàn Cải lương Dạ Lý Hương. Vai diễn kép phụ của ông được công chúng khen ngợi khi cùng bạn diễn là danh hài Văn Chung tung hứng tiếng cười trong vở “Yêu người điên”. Biết mình khó có thể nổi tiếng khi làm kép hát, ông từng bước học sáng tác và dấn thân vào nghề viết kịch bản.
Khi có được nghề viết, ông bắt đầu lao vào nghiệp làm bầu. Ông từng lập bảng hiệu Đoàn Cải lương Hoàng Ngọc Ẩn, thành công vang dội với vở “Đưa em về quê mẹ”, đẩy tên tuổi nghệ sĩ Vũ Minh Vương, Phượng Ngân, hề Vũ Đức lên đỉnh cao nghệ thuật.
Sau năm 1990, tác phẩm này một lần nữa đưa tên tuổi các nghệ sĩ Châu Thanh, Phượng Hằng lên cao, tạo những cơn cơn sốt về doanh thu thời đó.
Soạn giả Hoàng Ngọc Ẩn dạy con gái ca trong kịch bản mới
Sau này, Soạn giả Hoàng Ngọc Ẩn lần lượt làm trưởng các đoàn cải lương Bến Cát, Tiếng hát Tình thương, Thanh Nga… Ông đã dìu dắt, đào tạo lực lượng diễn viên trẻ bổ sung cho sàn diễn cải lương chuyên nghiệp. Nhiều nghệ sĩ đã thành danh từ sân khấu của ông như: Vũ Minh Vương, Phượng Ngân, Khánh Tuấn, Hiếu Liêm…
Soạn giả Hoàng Ngọc Ẩn cũng đã đào tạo con gái là NSƯT Tâm Tâm nối nghiệp cha và con trai là Chánh Tâm hiện là nhạc công của sân khấu.
Trong sự nghiệp, soạn giả Hoàng Ngọc Ẩn đã sáng tác các kịch bản được giới chuyên môn đánh giá cao như: “Đưa em về quê mẹ”, “Con gái vua Trần Nhân Tông”, “Quan Âm Thị Kính”, “Bài học ngàn vàng”, “Theo Phật xuất gia”, “Thái tử A Xà Thế”, “Mục Liên Thanh Đề”, “Quan Âm Diệu Thiện”, “Sự tích Phật Thích Ca”…
Công lao của ông còn được ghi nhận với thành tích gầy dựng Đoàn Thanh Nga trở thành đoàn chuyên diễn các vở cải lương về Phật pháp. Năm 2002, Ban Văn hóa – Thành hội Phật giáo TP HCM đã trao quyết định cho Đoàn Thanh Nga trở thành đoàn cải lương trực thuộc Thành hội Phật giáo TP.
“Khi đó ba tôi vui mừng lắm, vi đây là cơ hội, niềm vinh dự của tập thể Đoàn Cải lương Thanh Nga, đồng thời tiếp thêm động lực sáng tác nhiều kịch bản cải lương nêu cao tinh thần sống đẹp, tôn sư trọng đạo và giữ gìn truyền thống văn hóa của dân tộc. Sau này, khi gắn kết với Đoàn Tình ca Bắc Sơn của ca sĩ Bích Thủy, ba tôi sáng tác nhiều bài ca cổ, trích đoạn cải lương cho đoàn. Đó là niềm vui cuối đời của ba tôi” – NSƯT Tâm Tâm nhớ lại.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)