Trang chủ Tin tứcTin trong nước Sóc Trăng: Phát triển mô hình chăn nuôi bò theo tiêu chuẩn VietGAP

Sóc Trăng: Phát triển mô hình chăn nuôi bò theo tiêu chuẩn VietGAP

bởi Linh

Trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, chăn nuôi bò từ lâu đã trở thành ngành nghề góp phần giải quyết việc làm, cải thiện đáng kể thu nhập cho nhiều người dân nông thôn. Sóc Trăng có điều kiện thuận lợi là nguồn phụ phẩm dồi dào trong nông nghiệp, diện tích cánh đồng trồng cỏ làm thức ăn cho bò đạt hơn 2.800ha, toàn tỉnh có khoảng 13.500 lao động tham gia nuôi bò.

Theo Ban Quản lý Dự án Phát triển chăn nuôi bò tỉnh Sóc Trăng, hiện số lượng đàn bò trên địa bàn tỉnh là hơn 54.000 con bao gồm cả đàn bò thịt và đàn bò sữa. Sản lượng thịt bò hơi là 2.475 tấn/năm; sữa bò tươi là 13.284 tấn/năm.

Từ năm 2021, UBND tỉnh Sóc Trăng đã phê duyệt Dự án “Phát triển chăn nuôi bò trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030”, với tổng kinh phí trên 2.208 tỷ đồng. Đây là Dự án quy mô lớn ở Đồng bằng sông Cửu Long, góp phần gia tăng giá trị và phát triển chăn nuôi bò thịt, bò sữa theo hướng hàng hóa, giúp bà con nông dân nâng cao hiệu quả chăn nuôi, tạo nguồn thu nhập ổn định, từng bước cải thiện chất lượng cuộc sống.

Từ Dự án Phát triển chăn nuôi bò, các địa phương trong tỉnh đã lựa chọn các hộ nuôi có đủ khả năng đối ứng vốn để tham gia mô hình nuôi bò theo hướng VietGAHP, chăn nuôi an toàn sinh học, giúp sản lượng và giá bán đều cao hơn khoảng 20% so với phương pháp nuôi truyền thống.

Nuôi bò theo tiêu chuẩn VietGAP đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho hộ nuôi từ việc giảm chi phí đầu tư, hạn chế dịch bệnh trên bò đến đảm bảo tốt môi trường trong quá trình duy trì và phát triển nghề nuôi. Theo đó, mô hình nuôi bò theo tiêu chuẩn VietGAP đã mở ra nhiều cơ hội cho người chăn nuôi nhỏ lẻ muốn mở rộng việc chăn nuôi lên gia trại, trang trại để cung ứng sản phẩm thịt bò sạch cho các cửa hàng cao cấp cũng như cung cấp bò giống có nguồn gốc và chất lượng giống tốt, đáp ứng nhu cầu của người chăn nuôi.

Thời gian đầu, việc triển khai xây dựng mô hình VietGAP còn gặp nhiều khó khăn do đa số hộ còn chăn nuôi nhỏ lẻ, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị chăn nuôi chưa đảm bảo yêu cầu theo tiêu chuẩn. Nhưng sau một thời gian, mô hình cho thấy nhiều lợi ích cho cả người chăn nuôi, người tiêu dùng và xã hội. Chăn nuôi bò theo tiêu chuẩn VietGAP là phương thức chăn nuôi mà nhiều địa phương sẽ hướng đến nhằm làm thay đổi nhận thức của người dân trong việc phát triển các mô hình chăn nuôi bò đảm bảo an toàn sinh học và đảm bảo truy xuất rõ nguồn gốc; từng bước hạn chế dần tình trạng chăn nuôi mang tính tự phát, nhỏ lẻ; phát triển chăn nuôi bò thịt thành một ngành nghề ổn định và tạo được sinh kế bền vững cho người nông dân.

Đến nay trên địa bàn toàn tỉnh có 10 mô hình Chăn nuôi bò thịt theo hướng VietGAHP được chứng nhận gồm: huyện Long Phu (1 mô hình), Cù Lao Dung (1 mô hình), Mỹ Tú (3 mô hình), Trần Đề (1 mô hình), Thạnh Trị (2 mô hình), TX. Ngã Năm (2 mô hình). Từ đó giúp giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương, nâng cao giá trị sản xuất cho nông dân, tạo thu nhập ổn định./.

Hải Yến

Ảnh: Mô hình chăn nuôi bò sữa giúp nhiều hộ gia đình thoát nghèo

(Nguồn: dantocmiennui.vn)

C:\Users\Phuong\Dropbox\My PC (Phuong-PC)\Desktop\Sóc Trăng_VNN_tin Mô hình nuôi bò VietGap_ảnh.jpg

Có thể bạn quan tâm