Theo Science Alert, một nghiên cứu mới đã tiết lộ những vành đai đẹp mê hoặc, tuổi đời chỉ khoảng 100-200 triệu năm của Sao Thổ là tàn tích của một “mặt trăng mất tích”.
Dựa trên dữ liệu giai đoạn cuối từ tàu Cassini – tàu thăm dò Sao Thổ của NASA – nhóm khoa học gia dẫn đầu bởi giáo sư khoa học hành tinh Jack Wisdom từ Viện Công nghệ Massachusetts (MIT – Mỹ), cho thấy trong phần lớn tuổi đới 4,5 tỉ năm của mình, Sao Thổ không hề “đeo nhẫn”.
Các tác giả cũng xác định được chi tiết nguồn gốc của các vành đai hơn: 160 triệu năm về trước sinh ra trong một sự kiện rùng rợn, đó là Sao Thổ tự “ăn thịt” mặt trăng của mình.
Sao Thổ từng thực hiện hành vi “quái vật” với mặt trăng của chính mình 160 triệu năm trước – Ảnh: NASA
Theo The Guardian, ban đầu nhóm của giáo sư Wisdom tìm kiếm sự giải thích về độ nghiêng lớn (khoảng 27 độ) của trục Sao Thổ, mà từ lâu có giả thuyết cho rằng nó bị mắc kẹt trong một liên kết cộng hưởng hấp dẫn với Sao Hải Vương.
Nhưng rồi họ đã lần ra dấu vết của một sự kiện khác liên quan đến những vành đai đá bụi quanh hành tinh.
Từ 100-200 năm trước, một mặt trăng giả thuyết được đặt tên là Chrysails đã đi vào vùng quỹ đạo hỗn loạn trong thế giới hơn 80 mặt trăng của Sao Thổ, trải qua một số cuộc chạm trán với 2 mặt trăng lớn khác là Iapetus và Titan.
Cuối cùng, nó di chuyển đến quá gần Sao Thổ và bị xé toạc. Cơ thể nó hóa thành một mớ đá bụi khổng lồ, bay quanh hành tinh mẹ hung dữ như một chiếc nhẫn khổng lồ.
Chính việc mất đi Chrysails đã khiến Sao Thổ “chảo đảo” bởi nó là một mặt trăng đủ lớn để trường hấp dẫn liên kết mật thiết với hành tinh mẹ. Mất đi nó, Sao Thổ bị nghiêng nặng thêm.
Các vành đai của Sao Thổ ước lượng nặng khoảng 15 triệu ngàn tỉ kg và được làm gần như hoàn toàn bằng băng – khoảng 95% là nước tinh khiết trong khi phần còn lại là đá và kim loại.
Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Science.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)