Theo NSND Tạ Minh Tâm, các ca sĩ hiện nay phải ý thức được trọng trách giữ “hồn” dòng nhạc cách mạng, tiếp nối thế hệ đi trước thể hiện dòng nhạc này bằng những sáng tạo cũng như với niềm đam mê của mình.
Phóng viên: Những bài ca gắn với một thời kỳ hào hùng của dân tộc đang lan tỏa mạnh mẽ trong giới trẻ, nhiều ca sĩ đã hát với mong muốn mang đến hơi thở mới cho nhạc cách mạng. Ông nhận định thế nào về xu thế này?
– NSND TẠ MINH TÂM: Những hướng đi mới trong sáng tạo nghệ thuật đều được ghi nhận. Dĩ nhiên, cái mới bao giờ cũng gây tranh cãi, nhất là với món ăn tinh thần như âm nhạc.
Điều trước tiên cần phải khẳng định là sức sống mới của dòng “nhạc đỏ”. Giữa vòng vây các làn sóng nhạc K-pop, hip hop, dance đang thịnh hành và khuấy động, vẫn có nhiều ca sĩ trẻ âm thầm, bền bỉ theo đuổi dòng nhạc cách mạng. Họ tự hào thể hiện lòng yêu nước cũng như gìn giữ những kỷ niệm của thế hệ cha ông vốn trải qua nhiều hy sinh, mất mát.
NSND Tạ Minh Tâm. (Ảnh do nghệ sĩ cung cấp)
Nhiều người đã nghĩ cách làm mới dòng nhạc này, tưởng chừng không dễ được chấp nhận nhưng rồi công chúng đã đón nhận nồng nhiệt. Những ca sĩ như Mỹ Linh, Thanh Lam, Hồng Nhung, Trần Thu Hà, Tùng Dương, Đức Tuấn, Trọng Tấn… nhiều năm qua đã nỗ lực làm sống lại “nhạc đỏ” với sự tươi trẻ nhưng không kém phần sâu lắng. Nhiều cách thể hiện đầy trẻ trung nhưng cũng rất oai hùng qua tiếng hát của Anh Thơ, Đăng Dương, Việt Hoàn…
Theo ông, xu thế này cần được định hướng như thế nào? Các nhà quản lý cần phải làm gì để duy trì bền bỉ dòng chảy mạnh mẽ đó?
– Các chương trình game show truyền hình thời gian gần đây đã xuất hiện nhiều ca khúc cách mạng, được ca sĩ trẻ thể hiện tốt. Trong những ngày lễ lớn của đất nước, nhiều ca sĩ đã cho ra mắt các album, MV nhạc cách mạng.
Tôi cho rằng cần có các lớp tập huấn, tổ chức các trại sáng tác về ca khúc cách mạng để những nhạc sĩ trẻ tham gia.
Đúng là làm mới khác hoàn toàn so với cách hát “nhạc đỏ” mạnh mẽ, hùng tráng mà công chúng từng cảm nhận. Liệu sự đổi mới cần có sự đồng hành từ nhiều “bà đỡ”?
– Bộ môn nghệ thuật nào cũng cần “bà đỡ” để phát huy thế mạnh. Từ kinh nghiệm của bản thân – vốn trưởng thành từ dòng nhạc cách mạng, tôi luôn đồng hành với các ca sĩ, nhạc sĩ trẻ và giúp họ tự tin thể hiện sự đổi mới. Tất nhiên, phải hết sức cẩn trọng và chừng mực trong sự “phá cách”. Làm thế nào để cách hát vừa hào sảng vừa mềm mại, đậm chất trữ tình, tạo nên nét riêng cho ca sĩ là điều luôn được mong đợi.
Các nhạc sĩ trẻ hiện nay cần đầu tư như thế nào về sáng tác, hòa âm, phối khí để có thể làm mới dòng nhạc cách mạng?
– Ngày nay, nhiều nhạc sĩ trẻ đã sử dụng các nhạc cụ dân tộc với sáo và đàn tranh, đàn bầu, đàn tì bà làm chủ đạo. Các sáng tác mới vì thế mang màu sắc riêng, chạm đến trái tim người nghe bằng tình yêu đất nước, dân tộc.
Đơn cử, trong chương trình Mai Vàng hằng năm của Báo Người Lao Động, nhạc sĩ Đạt Kìm là người hòa âm đã làm cho những ca khúc nổi bật khi anh hòa quyện âm sắc giữa các nhạc cụ Đông – Tây. Khi được mời biểu diễn, tôi cố gắng giữ nguyên vẹn sự hào sảng nhưng mang hơi thở đương đại qua những sáng tạo hòa âm, phối khí đó để khán giả đến với lễ trao Giải Mai Vàng không cảm thấy nhàm chán.
Cách phối âm, remix của các ca sĩ trẻ khi làm mới “nhạc đỏ” cần được công chúng và giới chuyên môn ghi nhận nếu những sáng tạo ấy thật sự tinh tế, phù hợp với từng chủ đề của chương trình vinh danh các ca khúc cách mạng. Chính họ sẽ tiếp nối thế hệ chúng tôi cất cao lời ca về những giai điệu Tổ quốc đã mãi âm vang trong lòng công chúng.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)