Bộ Y tế vừa có thông báo vắc-xin Covid-19 tiêm cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi sẽ về Việt Nam vào tuần tới. Ngay khi các thủ tục kiểm định và chứng nhận xuất xưởng vắc-xin hoàn tất, ngành y tế sẽ triển khai tiêm chủng từ tuần thứ 2 của tháng 4.
Trước đó, ngày 22-3, Bộ Y tế đã làm việc với Đại sứ quán Úc tại Việt Nam về việc hỗ trợ vắc-xin Covid-19 để tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Theo đó, Chính phủ Úc đã cam kết viện trợ cho Việt Nam khoảng 13,7 triệu liều vắc-xin Pfizer và Moderna để tiêm cho trẻ ngay tuần thứ 2 của tháng 4, khi các thủ tục về kiểm định vắc-xin hoàn tất.
Tiêm chủng vắc-xin Covid-19 cho học sinh
Hiện Chương trình Tiêm chủng mở rộng đang tích cực phối hợp với Đại sứ quán Úc để đưa vắc-xin về Việt Nam trong tuần này.
Đợt 1 có khoảng 9,7 triệu liều vắc-xin, bao gồm: 0,7 triệu liều vắc-xin do Pfizer sản xuất; 9 triệu liều vắc-xin do Moderna sản xuất. Số vắc-xin này đều có hạn sử dụng đến tháng 7-2022, đang sẵn có tại Úc và có thể vận chuyển về Việt Nam vào đầu tháng 4-2022 ngay sau khi hoàn thiện các thủ tục.
Đợt 2 có khoảng 4 triệu liều vắc-xin do Pfizer sản xuất, được Chính phủ Úc viện trợ thông qua UNICEF. Phía Úc đang hoàn thiện các thủ tục và dự kiến cung cấp trong tháng 4-2022.
Để chuẩn bị tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, tới đây Chương trình Tiêm chủng mở rộng sẽ tiến hành tập huấn chuyên môn triển khai tiêm vắc-xin Covid-19 cho nhóm đối tượng này với các địa phương trên toàn quốc và hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch chi tiết tổ chức các điểm tiêm chủng.
Theo PGS-TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, trẻ sẽ được tiêm vắc-xin Covid-19 tại các điểm tiêm chủng tương tự như chiến dịch tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi vừa qua.
Những trẻ đi học được tiêm tại trường, những trẻ không đi học được tiêm chủng tại trạm y tế. Đối với những trẻ có bệnh lý nền, bệnh lý mạn tính thì sẽ tiêm tại các bệnh viện để đảm bảo an toàn tiêm chủng.
Giải thích về việc có cần thiết tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ em hay không, GS-TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nếu trẻ nhiễm Covid-19 thì ít triệu chứng và triệu chứng nhẹ hơn so với người lớn. Tuy nhiên, mắc Covid-19 dù ở lứa tuổi nào thì cũng có các biểu hiện từ không triệu chứng, có triệu chứng nhẹ, nặng và tử vong.
“Hơn nữa, khi mắc Covid-19, một số em có các triệu chứng kéo dài, có tình trạng sau Covid-19, một số em có di chứng cấp tính của Covid-19, có trường hợp viêm đa hệ nghiêm trọng. Dù rằng các ca nặng hiếm khi xảy ra ở trẻ em hơn so với người lớn nhưng nó vẫn là mối đe dọa với sức khỏe của trẻ. Khi tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, không chỉ bảo vệ sức khỏe cho trẻ mà còn giảm sự lây nhiễm”- GS Lân giải thích.
GS Lân nhận định việc tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi có ý nghĩa rất quan trọng làm giảm nguy cơ bệnh nặng, giảm nguy cơ lây nhiễm cho những người trong gia đình, đặc biệt người có nguy cơ cao, những người chống chỉ định tiêm chủng và chưa đến tuổi tiêm chủng.
Tiêm vắc-xin giúp giảm tình trạng nặng và tử vong do Covid-19- Ảnh minh hoạ
Trước thắc mắc của nhiều phụ huynh về việc trẻ từng mắc Covid-19 (tức là trẻ đã có miễn dịch tự nhiên) liệu có cần tiêm vắc-xin không?, Tiến sĩ Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng miền Bắc, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, khuyến cáo một số nghiên cứu cho thấy khi virus SARS-CoV-2 khi tấn công vào cơ thể lần đầu tiên, thì để lại miễn dịch không cao. Đây là cơ sở cho nguy cơ tái nhiễm.
Vì vậy, nên tiêm vắc-xin ngay sau khi nhiễm bệnh thì miễn dịch sẽ nhiều hơn, góp phần hạn chế nguy cơ tái nhiễm, thậm chí hạn chế cả những hội chứng hậu Covid-19 và tình trạng Covid-19 kéo dài. “Thực tế cho thấy có những trẻ vài tháng sau khi khỏi bệnh mới gặp hội chứng hậu Covid-19 vì virus gây tổn thương đa cơ quan, vật liệu di truyền virus để lại trong cơ thể gây phản ứng ở đa tạng. Do đó, kể cả khi trẻ đã khỏi bệnh thì vẫn nên tiêm vắc-xin”- chuyên gia này khuyên.
Cũng theo giới chuyên môn, ghi nhận thực tế từ hàng chục quốc gia/vùng lãnh thổ đã triển khai tiêm vắc-xin cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi thì tỉ lệ phản ứng thông thường (như sốt, sưng đau tại chỗ) khi trẻ tiêm vắc-xin này rất thấp, chưa nói đến phản ứng nặng.
Trước đó, Bộ Y tế đã ký quyết định phê duyệt có điều kiện vắc-xin Pfizer liều 10 mcg cho trẻ em (bằng 1/3 so với liều dành cho người lớn). Tuy nhiên, với vắc-xin Moderna, hiện Việt Nam mới phê duyệt loại dành cho người lớn, chưa cấp phép vắc-xin cho trẻ em.
Nguồn tin từ Bộ Y tế cho biết dự kiến trong tuần tới, Bộ sẽ hoàn tất các thủ tục trước khi vắc-xin Moderna về Việt Nam. Hiện nhiều nước Châu Âu đã và đang sử dụng vắc-xin Moderna tiêm chủng cho trẻ em. Vắc-xin này có hàm lượng kháng nguyên và dung lượng sử dụng cho mỗi liều tiêm trẻ em thấp hơn so với liều tiêm cho người lớn.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)