Theo thông báo của Ban quản lý Vịnh Nha Trang, lý do việc tạm ngừng này nhằm tiến hành triển khai, khảo sát đánh giá hiện trạng, xác định các khu vực có hệ sinh thái dễ bị tổn thương, từ đó xây dựng kế hoạch hoạt động Khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang phù hợp trong thời gian tới.
Văn bản này được Ban quản lý Vịnh Nha Trang thông báo đến nhân dân, du khách, doanh nghiệp để được biết.
Ông Huỳnh Bình Thái, Trưởng ban quản lý Vịnh Nha Trang, cho biết thêm việc tạm ngừng bơi, lặn biển chỉ áp dụng ở khu vực nhạy cảm ở Hòn Mun. Hoạt động du lịch vẫn diễn ra bình thường, du khách vẫn được tham quan Hòn Mun theo chương trình tour tham quan vịnh Nha Trang.
Hoạt động bơi, lặn biển ở khu vực Hòn Mun sẽ tạm dừng
Trước đó, Báo Người Lao Động có loạt bài điều tra về việc suy giảm san hô nghiêm trọng ở Khu Bảo tồn biển vịnh Nha Trang. Qua đó cho thấy, giữa tháng 6-2020, ở Khu Bảo tồn biển này có độ phủ san hô sống lên đến 61% nhưng đến đầu năm 2022 chất lượng san hô ở Hòn Mun dưới mức trung bình. Đặc biệt, khu vực Tây Nam của Hòn Mun có tình trạng rạn san hô rất kém, tỉ lệ bao phủ chỉ còn 7,8%.
Ngày 20-6, ông Nguyễn Hải Ninh, Bí thư Tỉnh ủy, cùng lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa nghe UBND tỉnh này báo cáo việc suy giảm rạn san hô tại Khu Bảo tồn biển Hòn Mun, vịnh Nha Trang.
Ngày 22-6, Thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa đã ban hành kết luận việc báo chí phản ánh cơ bản đúng thực trạng suy giảm rạn san hô tại khu vực Hòn Mun – vùng lõi thuộc Khu bảo tồn vịnh Nha Trang.
Khu vực Tây Nam Hòn Mun với việc san hô chết hàng loạt
Phóng viên Báo Người Lao Động lặn, khảo sát khu vực Hòn Mun ngày 3-6
Thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa đã có kết luận về việc suy giảm rạn san hô tại khu bảo tồn biển Hòn Mun, vịnh Nha Trang. Trong đó, nguyên nhân khách quan dẫn đến việc suy giảm rạn san hô là tác động của biến đổi khí hậu, ảnh hưởng của cơn bão Damrey năm 2017 và cơn bão số 9 năm 2021 (không có hiện tượng axit hóa đại dương).
Nguyên nhân chủ quan là công tác quản lý, sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương liên quan, hoạt động của Ban quản lý vịnh Nha Trang còn nhiều bất cập, hạn chế, thiếu sót; nhiều hoạt động của con người tác động lên hệ sinh thái biển vịnh Nha Trang nói chung và rạn san hô tại khu bảo tồn biển Hòn Mun nói riêng vẫn chưa được xử lý kịp thời (khai thác thủy sản trái phép, nạo vét, xây dựng các công trình ven biển không đúng quy định, xả thải từ các hoạt động du lịch…).
Thường trực Tỉnh ủy đề nghị Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo UBND tỉnh quan tâm thực hiện một số giải pháp, trong đó chỉ đạo xây dựng kế hoạch tổng thể phục hồi vịnh Nha Trang, báo cáo Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong tháng 7-2022.
Trước mắt, tạm dừng hoạt động du lịch lặn biển tại các khu vực dễ làm tổn hại rạn san hô trong vịnh, đặc biệt là trong khu vực Hòn Mun. Đồng thời, khoanh vùng bảo vệ các khu vực nhạy cảm, đang có dấu hiệu phục hồi các hệ sinh thái (điển hình là rạn san hô và các bãi giống, bãi đẻ) của vịnh Nha Trang.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)